Quy định của pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng

Quy định của pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng hiện nay 2020
Luật Quang Huy có cung cấp dịch vụ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu, logo, quyền tác giả, sáng chế, quyền sở hữu công nghiệp,...và tất cả dịch vụ khác liên quan tới sở hữu trí tuệ. Nếu quý khách hàng đang có nhu cầu sử dụng dịch vụ, vui lòng liên hệ hotline 09.678910.86 để được tư vấn miễn phí. Xin cảm ơn.

Nhãn hiệu hàng hóa được xem là tài sản trí tuệ quý giá có vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh, cạnh tranh và phát triển của doanh nghiệp trên thị trường. Do đó, rất nhiều doanh nghiệp hiện nay đã bỏ không ít những công sức để xây dựng những nhãn hiệu riêng cho mình và đưa nhãn hiệu của mình trở thành nhãn hiệu nổi tiếng. Đối với doanh nghiệp Việt Nam, nhu cầu này thường gắn với việc khẳng định uy tín, chất lượng của các thương hiệu Việt. Đối với doanh nghiệp nước ngoài, nhu cầu này còn gắn với mong muốn đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh. Bài viết dưới đây của Luật Quang Huy chúng tôi sẽ cung cấp thông tin về Quy định của pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng hiện nay cho quý khách hàng.


1. Nhãn hiệu nổi tiếng là gì

Căn cứ theo Khoản 20 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009 quy định:

Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Do đó, theo pháp luật Việt Nam, một nhãn hiệu được coi là nhãn hiệu nổi tiếng thì nhãn hiệu đó phải được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Với quy định này, pháp luật đã đưa ra được phạm vi nổi tiếng của nhãn hiệu phải trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, nếu một nhãn hiệu nổi tiếng trên phạm vi toàn thế giới mà không được người tiêu dùng Việt Nam biết đến trên toàn lãnh thổ Việt Nam thì nhãn hiệu đó không được coi là nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Ngoài ra, để xác định xem một nhãn hiệu có được xem là nhãn hiệu nổi tiếng hay không thì phải dựa vào các tiêu chí để đánh giá. Cụ thể được quy định tại Điều 75 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009 như sau:

  • Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;
  • Phạm vi lãnh thổ mà hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;
  • Doanh số từ việc bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hoá đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;
  • Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;
  • Uy tín rộng rãi của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
  • Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;
  • Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;
  • Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.

2. Có cần đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam không?

Vấn đề xác lập quyền đối với Nhãn hiệu nổi tiếng được quy định tại khoản 2 Điều 6 của Nghị định 103/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ thì quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cở sở thực tiễn sử dụng rộng rãi nhãn hiệu đó theo quy định tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký.

Đối với việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ thì không giống như đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý chỉ được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Còn đối với nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.

Như vậy, đối với các nhãn hiệu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đánh giá của một nhãn hiệu nổi tiếng thì việc bảo hộ đối với nhãn hiệu đó là mặc nhiên và không cần thông qua các thủ tục đăng ký bảo hộ. Quyền bảo hộ áp dụng đối với nhãn hiệu nổi tiếng là vô thời hạn tính từ ngày nhãn hiệu được công nhận là nổi tiếng ghi trong quyết định công nhận nhãn hiệu nổi tiếng.

Quy định của pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng hiện nay


3. Thời hạn bảo hộ của nhãn hiệu nổi tiếng

Về nguyên tắc, thời hạn bảo hộ đối với nhãn hiệu hàng hóa là thời hạn của Giấy chứng nhận đăng ký; theo quy định của pháp luật hiện hành, đó là 10 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp không hạn chế, mỗi lần gia hạn là 10 năm (Khoản 6 Điều 93 Luật sở hữu trí tuệ 2005). Tuy nhiên, pháp luật đã dành cho nhãn hiệu nổi tiếng một ưu đãi đặc biệt: Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ vô thời hạn tính từ ngày nhãn hiệu được công nhận là nổi tiếng ghi trong quyết định công nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Tuy vậy, ta cũng không loại trừ trường hợp một nhãn hiệu nổi tiếng sẽ không còn được bảo hộ khi nhãn hiệu không còn nổi tiếng nữa. Hay nói cách khác là khi tiêu chí làm nhãn hiệu đó nổi tiếng không còn trên thực tế hoặc nhãn hiệu đó đã trở thành tên gọi chung của một loại sản phẩm, dịch vụ nhất định (trường hợp này còn gọi là lu mờ nhãn hiệu).


4. Bất cập trong quy định về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ

Thứ nhất, định nghĩa nhãn hiệu nổi tiếng chưa khái quát được đặc điểm, bản chất của nhãn hiệu nổi tiếng. Đó là danh tiếng, uy tín gắn liền với nhãn hiệu như: danh tiếng, uy tín của nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ; chất lượng hàng hoá, dịch vụ; bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng (chăm sóc khách hàng, dịch vụ hậu mãi…). Hơn nữa, định nghĩa này được cho là đặt ra yêu cầu quá cao so với các điều ước quốc tế chứa đựng các cam kết về nhãn hiệu nổi tiếng (Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền Sở hữu trí tuệ – TRIPs). Chẳng hạn, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, nhãn hiệu nổi tiếng phải được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, trong khi Hiệp định TRIPs chỉ đặt ra yêu cầu đối với bộ phận công chúng liên quan (relevant sector of the public).

Thứ hai, quy định các tiêu chí xác định nhãn hiệu nổi tiếng chưa rõ ràng. Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ quy định 8 tiêu chí được xem xét khi đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng nhưng lại không quy định rõ để một nhãn hiệu được công nhận là nổi tiếng thì phải thoả mãn tất cả các tiêu chí này hay chỉ một hoặc một số tiêu chí. Hơn nữa, các tiêu chí được cho là còn chung chung và mang tính định tính, mặc dù đã được quy định bổ sung tại điểm 42 Thông tư 01/2017/TT-BKHCN nhưng vẫn không dễ dàng áp dụng trong thực tiễn.

Thứ ba, các quy định pháp luật hiện hành chưa đủ để phân biệt nhãn hiệu nổi tiếng với nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi (được ghi nhận tại Điều 74.2(g) Luật Sở hữu trí tuệ) và nhãn hiệu được sử dụng rộng rãi (được đề cập trong một số văn bản pháp luật như Nghị định 99/2013/NĐ-CP, Thông tư 11/2015-TT-BKHCN).

Nhãn hiệu nổi tiếng và nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi được điều chỉnh bởi quy chế pháp lý khác nhau. Nhãn hiệu nổi tiếng được coi là một loại nhãn hiệu; phạm vi bảo hộ rộng hơn phạm vi bảo hộ dành cho nhãn hiệu thông thường. Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng bị xử lý như hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; còn hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được sử dụng rộng rãi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

Bất cập trong quy định

Pháp luật Việt Nam không có quy định thế nào là nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi. Theo Điều 19.1(d) Thông tư 11/2015/TT-BKHCN, nhãn hiệu được coi là sử dụng rộng rãi nếu chủ thể yêu cầu xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh cung cấp được các chứng cứ chứng minh: chủ thể kinh doanh đã sử dụng nhãn hiệu một cách rộng rãi, ổn định, được nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam biết đến, có thể bao gồm: các thông tin về quảng cáo, tiếp thị, trưng bày triển lãm; doanh thu bán hàng; số lượng sản phẩm bán ra; hệ thống đại lý phân phối, liên doanh, liên kết; quy mô đầu tư; đánh giá của các cơ quan nhà nước, phương tiện thông tin đại chúng, bình chọn của người tiêu dùng và các thông tin khác thể hiện uy tín của chủ thể kinh doanh gắn với chỉ dẫn thương mại trong hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam.

Thứ tư, thẩm quyền công nhận nhãn hiệu nổi tiếng được trao cho Toà án và Cục Sở hữu trí tuệ nhưng lại thiếu các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục công nhận nhãn hiệu nổi tiếng.

Thứ năm, với nhãn hiệu nổi tiếng – đối tượng sở hữu trí tuệ mà quyền được xác lập trên cơ sở sử dụng rộng rãi, không cần thông qua thủ tục đăng ký – thì xác định đối tượng đang được bảo vệ và phạm vi quyền của đối tượng đó là vấn đề hết sức khó khăn. Tuy luật đã quy định có hai con đường để nhãn hiệu được công nhận là nổi tiếng đó là theo thủ tục dân sự hoặc theo quyết định công nhận của Cục SHTT nhưng cho đến nay, chưa có văn bản nào như thế được ban hành. Điều đó có thể hiểu, chưa có nhãn hiệu nào được công nhận là nổi tiếng tại Việt Nam. Điều này cũng không hoàn toàn đúng. Trong thực tiễn xác lập quyền, rất nhiều lần Cục SHTT đã từ chối xác lập quyền cho một dấu hiệu với lý do dấu hiệu đó xâm phạm quyền của NHNT (thuộc vào Điều 74.2i Luật SHTT). Các quyết định như vậy được Cục SHTT ban hành dựa vào những tình huống cụ thể, căn cứ vào các tài liệu cụ thể của từng tình huống. Có thể coi các quyết định này là quyết định gián tiếp công nhận một nhãn hiệu là nổi tiếng. Tuy nhiên, cho đến nay, Danh mục các nhãn hiệu nổi tiếng vẫn chưa tồn tại, điều này gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan thực thi cũng như chủ nhãn hiệu trong việc xử lý các vụ việc liên quan. Chủ nhãn hiệu thì không có căn cứ để chứng minh quyền, các cơ quan thực thi thì không biết bám vào đâu để xác định liệu đối tượng đang xem xét có được coi là nổi tiếng hay không để từ đó có căn cứ đánh giá đối tượng xâm phạm quyền, hành vi phạm quyền. Một khi không thể xác định được đối tượng đang được pháp luật bảo vệ thì rõ ràng không thể bảo vệ được đối tượng đó một cách hiệu quả. Với các quy định pháp luật liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng thì có thể hiểu, ở bất kỳ thời điểm nào, nếu chủ nhãn hiệu cung cấp được các tài liệu chứng minh nhãn hiệu của mình nổi tiếng thì đồng nghĩa họ đã chứng minh được quyền của mình đối với nhãn hiệu đó và họ có quyền thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền của mình, trong đó có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm. Tuy nhiên, do các văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ, do năng lực của các cơ quan thực thi… nên việc công nhận một nhãn hiệu là nổi tiếng trong quá trình thực thi là rất khó khăn.

Xuất phát từ những hạn chế pháp lý nêu trên và với nhận thức chưa đầy đủ, thiếu chính xác về nhãn hiệu nổi tiếng dẫn tới những vướng mắc trong bảo hộ, thực thi quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam.


5. Căn cứ pháp lí

  • Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005;.
  • Nghị định 22/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả và quyền liên quan.

Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về vấn đề: Quy định của pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng hiện nay. Hiện nay, Luật Quang Huy là địa chỉ tư vấn các vấn đề liên quan đến nhãn hiệu với đội ngũ tư vấn viên chuyên về lĩnh vực sở hữu trí tuệ sẽ làm hài lòng khách hàng. Nếu còn vấn đề thắc mắc hoặc chưa rõ bạn có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật sở hữu trí tuệ của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.

5/5 - (1 bình chọn)
Nguyễn Quang Huy
Nguyễn Quang Huy
Cố vấn cao cấp, giảng viên khoa pháp luật kinh tế – trường Đại học Luật Hà Nội. Tốt nghiệp Thạc sĩ Luật Đại học Duke (Hoa Kỳ), có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các công ty luật lớn trên thế giới.
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
chat-zalo
phone-call

GỌI 09.678910.86 NGAY

Scroll to Top