Quyền đại diện cho nhau giữa vợ và chồng theo quy định hiện hành

Quyền đại diện cho nhau giữa vợ và chồng
Nhằm giải đáp thắc mắc về các vấn đề pháp lý liên quan đến quan hệ hôn nhân và quan hệ trong gia đình như tảo hôn, quyền và nghĩa vụ các bên, Luật Quang Huy bổ sung đường dây nóng tư vấn về vấn đề này. Nếu bạn đọc có thắc mắc liên quan đến luật hôn nhân và gia đình hãy liên hệ ngay cho chúng tôi qua Tổng đài 19006588.

Trên thực tế có rất nhiều trường hợp, vợ chồng không thể cùng có mặt để thực hiện, xác lập các giao dịch dân sự thì có thể ủy quyền cho người còn lại thực được không? Pháp luật quy định như thế nào về quyền đại diện cho nhau giữa vợ và chồng? Hiểu được thắc mắc này của nhiều cặp vợ chồng, với bài viết này Luật Quang Huy gửi tới bạn các quy định mới nhất về vấn đề đại diện giữa vợ và chồng.


Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật dân sự năm 2015.
  • Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Đại diện giữa vợ và chồng là gì?

      Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về vấn đề đại diện như sau:

1. Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

      Như vậy, đại diện giữa vợ và chồng là việc một bên vợ hoặc chồng nhân danh và vì lợi ích của người còn lại xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Quyền đại diện cho nhau giữa vợ và chồng là quyền mà pháp luật quy định hoặc có thể theo sự ủy quyền của một bên nào đó. Theo đó, một bên vợ/chồng có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người còn lại, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch không được xác lập, thực hiện thông qua người đại diện.


Căn cứ xác lập quan hệ đại diện giữa vợ và chồng

Đại diện theo pháp luật giữa vợ và chồng

      Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 thì quan hệ đại diện giữa vợ và chồng có thể được xác lập theo một trong hai trường hợp, đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền.

      Về đại diện theo pháp luật, khoản 3 điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về căn cứ xác lập quan hệ đại diện cho nhau giữa vợ và chồng như sau:

3. Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ có liên quan.

Trong trường hợp một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự, Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn.

      Như vậy, căn cứ để xác định quan hệ đại diện giữa vợ chồng như sau:

  • Khi một bên vợ hoặc chồng bị mất năng lực hành vi dân sự, thì người còn lại sẽ đại diện cho người đó tham gia vào các quan hệ, giao dịch dân sự với tư cách là người giám hộ.
  • Khi vợ hoặc chồng bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, và người còn lại được Tòa án chỉ định là người đại diện theo pháp luật.
Đại diện theo pháp luật cho nhau giữa vợ và chồng

Đại diện theo ủy quyền giữa vợ và chồng

      Khoản 2 điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình quy định:

Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.

      Theo quy định này, việc đại diện theo ủy quyền giữa vợ và chồng chỉ áp dụng khi xác lập, thực hiện, chấm dứt một số giao dịch nhất định theo quy định của pháp luật. Đó là những giao dịch bắt buộc phải có sự đồng ý của vợ chồng nhưng một bên không thể trực tiếp tham gia giao dịch thì có thể uỷ quyền cho người còn lại thực hiện giao dịch đó. Ví dụ như trường hợp đại diện giữa vợ chồng trong quan hệ kinh doanh hoặc trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với tài sản chung nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng.

      Với tư cách là người đại diện theo ủy quyền, một bên vợ hoặc người chồng có quyền thực hiện các giao dịch vì lợi ích của hai vợ chồng hoặc vì lợi ích của người còn lại trong phạm vi được uỷ quyền.


Căn cứ chấm dứt quan hệ đại diện giữa vợ và chồng

      Trong trường hợp nào thì việc đại diện giữa hai vợ chồng chấm dứt? Theo quy định của bộ luật dân sự về đại diện, trường hợp vợ chồng đại diện cho nhau theo pháp luật, việc đại diện chấm dứt khi:

  • Năng lực hành vi dân sự của người được đại diện đã được khôi phục;
  • Người được đại diện hoặc người đại diện chết;
  • Căn cứ khác theo quy định của Bộ luật dân sự hoặc luật khác có liên quan. Ví dụ như đã hoàn thành nhiệm vụ đại diện đối với trường hợp được Tòa án chỉ định làm người đại diện trong những vụ việc cụ thể hoặc quan hệ hôn nhân chấm dứt bởi bản án/quyết định ly hôn có hiệu lực của Tòa án có thẩm quyền.

Quyền đại diện cho nhau giữa vợ và chồng

      Quan hệ đại diện giữa vợ chồng trên cơ sở có ủy quyền sẽ chấm dứt trong những trường hợp sau:

  • Theo thỏa thuận của hai bên
  • Thời hạn uỷ quyền đã hết hoặc công việc được uỷ quyền đã hoàn thành
  • Người uỷ quyền huỷ bỏ việc uỷ quyền hoặc người được uỷ quyền từ chối việc uỷ quyền
  • Người uỷ quyền hoặc người được uỷ quyền chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết

      Trên đây là những thông tin về vấn đề quan hệ đại diện giữa vợ và chồng mà chúng tôi cung cấp đến bạn. Mọi thắc mắc bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn hôn nhân và gia đình 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp cụ thể hơn.

      Trân trọng ./.


 

Đánh giá
Đội ngũ tác giả Công ty Luật Quang Huy
Đội ngũ tác giả Công ty Luật Quang Huy
Với phương châm "Luật sư của mọi nhà", Luật Quang Huy đang nỗ lực không ngừng để tạo nên một hành lang pháp lý vững chắc, an toàn cho Quý khách hàng!
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HỎI MIỄN PHÍ NGAY

Scroll to Top