Thủ tục kết hôn có yếu tố nước ngoài

Thủ tục kết hôn với người nước ngoài
Với mong muốn giải đáp ngay lập tức các vướng mắc về kết hôn cho người Việt Nam và người nước ngoài, Luật Quang Huy đã triển khai đường dây nóng tư vấn luật kết hôn. Nếu bạn đọc có thắc mắc liên quan đến vấn đề này, hãy liên hệ ngay cho chúng tôi thông qua Tổng đài 19006588.

Luật hôn nhân gia đình năm 2014 cho phép kết hôn có yếu tố nước ngoài.

Vậy thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài được thực hiện như thế nào?

Tại bài viết này, Luật Quang Huy sẽ giúp bạn hiểu được thủ tục kết hôn có yếu tố nước ngoài theo quy định pháp luật hiện hành.


1. Kết hôn yếu tố nước ngoài là gì?

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 không có khái niệm kết hôn có yếu tố nước ngoài.

Tuy nhiên, trên cơ sở khái niệm kết hôn; dựa vào lý luận về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, có thể nhìn nhận kết hôn có yếu tố nước ngoài là hành vi xác lập quan hệ vợ chồng giữa các bên chủ thể, thuộc các trường hợp sau đây:

  • Giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài;
  • Giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
  • Giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau;
  • Giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.

2. Thẩm quyền cơ quan đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài

Mặc dù ba cơ quan Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Cơ quan đại diện đều thực hiện đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài nhưng phạm vi thẩm quyền của ba cơ quan này và thủ tục tại từng cơ quan là khác nhau. Cụ thể:

2.1 Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới

Theo quy định của pháp luật, chỉ có Ủy ban nhân dân xã ở khu vực biên giới mới có thẩm quyền thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam thường trú tại địa bàn xã đó với công dân của nước láng giềng thường trú tại đơn vị hành chính tương đương cấp xã của Việt Nam tiếp giáp với xã ở khu vực biên giới của Việt Nam nơi công dân Việt Nam thường trú.

2.2 Ủy ban nhân dân cấp huyện

Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam có thẩm quyền thực hiện đăng ký kết hôn giữa:

  • Công dân Việt Nam với người nước ngoài;
  • Công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; 
  • Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; 
  • Công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.

Trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có yêu cầu đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của một trong hai bên thực hiện đăng ký kết hôn.

Ngoài ra, căn cứ tình hình cụ thể, hai bên nam nữ có thể cần thực hiện bổ sung thủ tục phỏng vấn khi giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên và hiệu quả quản lý Nhà nước.

2.3 Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài

Mặc dù, thẩm quyền kết hôn có yếu tố nước ngoài nhìn chung đã được giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.

Tuy nhiên để thuận tiện cho công dân khi đăng ký hộ tịch, Nhà nước còn trao thẩm quyền cho cơ quan đại diện.

Theo đó, cơ quan đại diện ở khu vực lãnh sự nơi cư trú của bên nam hoặc bên nữ là công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài với nhau hoặc với người nước ngoài.

Trường hợp đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài thì việc đăng ký kết hôn đó không được trái với pháp luật của nước sở tại.

Khi đăng ký kết hôn, cả hai bên nam, nữ phải có mặt tại trụ sở Cơ quan đại diện.

Cán bộ lãnh sự hỏi ý kiến hai bên nam nữ, nếu các bên tự nguyện kết hôn thì ghi việc kết hôn vào Sổ đăng ký kết hôn; hướng dẫn hai bên nam, nữ ký tên vào Giấy chứng nhận kết hôn, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ đăng ký kết hôn.

Mỗi bên vợ, chồng được nhận một bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.


3. Thủ tục kết hôn có yếu tố nước ngoài

3.1 Chuẩn bị hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài

Khi đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài thì nam, nữ cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

  • Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân;
  • Tờ khai đăng ký kết hôn có xác nhận tình trạng hôn nhân;
  • Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền cấp;
  • Giấy xác nhận tuyên thệ về việc hiện tại không có vợ hoặc không có chồng;
  • Giấy xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của nước người đó là công dân.
  • Giấy xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;
  • Đối với công dân Việt Nam đã ly hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, người nước ngoài đã ly hôn với công dân Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì phải nộp giấy xác nhận ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã được giải quyết ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam;
  • Bản sao sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú, Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú hoặc Chứng nhận tạm trú;

3.2 Hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ

Các giấy tờ được thực hiện bởi cơ quan nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự và được dịch ra tiếng Việt có công chứng bản dịch hoặc chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật; đồng thời phải còn thời hạn sử dụng.

3.3 Nộp hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thì tiến hành nộp tại các cơ quan có thẩm quyền đã nêu ở trên.

3.4 Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho người có yêu cầu

Trường hợp nộp hồ sơ cho Uỷ ban nhân dân cấp xã khu vực biên giới hoặc Uỷ ban nhân dân cấp huyện

  • Trường hợp hồ sơ hợp lệ và đầy đủ theo quy định thì công chức Tư pháp – hộ tịch cấp Biên nhận hồ sơ;
  • Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Trường hợp không thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngay thì phải lập văn bản hướng dẫn, trong đó nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung, hoàn thiện, ký và ghi rõ họ tên người tiếp nhận hồ sơ;
  • Trường hợp hồ sơ không được bổ sung, hoàn thiện theo hướng dẫn thì người tiếp nhận hồ sơ từ chối tiếp nhận hồ sơ. Việc từ chối tiếp nhận hồ sơ phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó ghi rõ lý do từ chối, người tiếp nhận ký và ghi rõ họ tên.

Trường hợp nộp hồ sơ cho cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cán bộ lãnh sự nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ, trường hợp cần thiết thì tiến hành các biện pháp xác minh.

3.5 Ký và trao giấy chứng nhận kết hôn

3.5.1 Trường hợp nộp hồ sơ cho Uỷ ban nhân dân cấp xã khu vực biên giới

Trong thời hạn 03 ngày làm việc hoặc trường hợp cần xác minh thêm thì thời hạn không quá 08 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, nếu xét thấy đủ điều kiện kết hôn, cán bộ tư pháp ghi vào sổ hộ tịch; hai bên nam nữ cùng ký vào sổ hộ tịch và Giấy chứng nhận kết hôn.

Sau đó, cán bộ tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam nữ.

3.5.2 Trường hợp nộp hồ sơ cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện

  • Nếu hồ sơ hợp lệ, các bên có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, không thuộc trường hợp từ chối đăng ký kết hôn theo quy định, Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện ký 02 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn;
  • Trường hợp Ủy ban nhân dân quận, huyện từ chối đăng ký kết hôn, Phòng Tư pháp thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho hai bên nam, nữ;

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện ký Giấy chứng nhận kết hôn, Phòng Tư pháp tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.

Ngoài ra, căn cứ tình hình cụ thể, hai bên nam nữ có thể cần thực hiện bổ sung thủ tục phỏng vấn khi giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên và hiệu quả quản lý Nhà nước.

3.5.3 Trường hợp nộp hồ sơ tại Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài

  • Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, kết quả thẩm tra, xác minh cho thấy các bên đăng ký kết hôn có đủ Điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật thì cán bộ lãnh sự báo cáo Thủ trưởng Cơ quan đại diện ký 02 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.
  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày Thủ trưởng Cơ quan đại diện ký Giấy chứng nhận kết hôn, Cơ quan đại diện tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.

Khi đăng ký kết hôn, cả hai bên nam, nữ phải có mặt tại trụ sở Cơ quan đại diện.

Cán bộ lãnh sự hỏi ý kiến hai bên nam nữ, nếu các bên tự nguyện kết hôn thì ghi việc kết hôn vào Sổ đăng ký kết hôn; hướng dẫn hai bên nam, nữ ký tên vào Giấy chứng nhận kết hôn, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ đăng ký kết hôn.

Mỗi bên vợ, chồng được nhận một bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.


4. Lệ phí đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài

Căn cứ theo Thông tư 85/2019/TT-BTC hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì Hội đồng nhân dân tỉnh có thẩm quyền quyết định mức lệ phí đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.

Tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lệ phí đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài là 1 triệu đồng.


5. Cơ sở pháp lý

  • Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;
  • Luật hộ tịch năm 2014;
  • Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch.

Trên đây là toàn bộ lời tư vấn của chúng tôi về vấn đề Thủ tục kết hôn với người nước ngoài của bạn theo quy định của pháp luật hiện hành.

Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ tới Tổng đài Tư vấn kết hôn trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.

Trân trọng./.

5/5 - (2 bình chọn)
Luật sư Nguyễn Thị Kim Lan
Luật sư Nguyễn Thị Kim Lan
Luật sư thuộc Đoàn luật sư tỉnh Phú Thọ. Nguyên là Chánh tòa kinh tế, phó chánh tòa hình sự tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HỎI MIỄN PHÍ NGAY

Scroll to Top