Thế nào là lừa dối kết hôn? Xử lý lừa dối kết hôn như thế nào?

Lừa dối kết hôn
Với mong muốn giải đáp ngay lập tức các vướng mắc về kết hôn cho người Việt Nam và người nước ngoài, Luật Quang Huy đã triển khai đường dây nóng tư vấn luật kết hôn. Nếu bạn đọc có thắc mắc liên quan đến vấn đề này, hãy liên hệ ngay cho chúng tôi thông qua Tổng đài 19006588.

Chào Luật sư, tôi và chồng tôi kết hôn được gần 1 năm.

Do công việc chưa ổn định phải đi làm xa nên anh nói với tôi tạm hoãn việc sinh em bé, đợi một thời gian sau hai bên ổn định rồi sẽ sinh.

Tuy nhiên, từ khi kết hôn đến nay anh ta lấy lý do đi làm về mệt nên rất hạn chế tiếp xúc thân thể với tôi.

Một lần tình cờ tôi đọc được tin nhắn của anh với những người bạn thì mới phát hiện ra anh không có khả năng sinh lý.

Tôi có trao đổi về vấ đề này thì anh nói đã biết tình trạng sức khỏe đó từ rất lâu trước khi cưới tôi mà không hề nói cho tôi biết vì sợ tôi sẽ không kết hôn.

Tôi đang rất rối khi biết sự thật này. Vậy, trường hợp này của tôi có phải là bị lừa dối kết hôn không?

Tôi có thể hủy bỏ cuộc hôn nhân này không? Mong Luật sư tư vấn giúp.


Lời đầu tiên, xin được cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi những thắc mắc của mình đến với chúng tôi.

Về vấn đề này, Luật Quang Huy sẽ giải đáp cụ thể thông qua bài viết dưới đây.


1. Lừa dối kết hôn là gì?

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP thì:

“Lừa dối kết hôn” quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 5 của Luật hôn nhân và gia đình là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiu sai lệch và dẫn đến việc đồng ý kết hôn; nếu không có hành vi này thì bên bị lừa dối đã không đồng ý kết hôn.

Như vậy, theo quy định trên đây có thể hiểu lừa dối kết hôn có thể là hành vi của một bên hoặc chủ thể thứ ba nào khác đã cố tình đưa những thông tin làm cho bên kia hiểu sai lệch về một vấn đề nào đó và dẫn đến việc đồng ý kết hôn.

Cụ thể, theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình có quy định việc nam và nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện.

Khi giải quyết yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật hoặc yêu cầu ly hôn cần chú ý một số điểm, trong đó có hướng dẫn về hành vi lừa dối kết hôn như sau:

Một bên lừa dối (ví dụ: lừa dối là nếu kết hôn sẽ xin việc làm phù hợp hoặc nếu kết hôn sẽ bảo lãnh ra nước ngoài; không có khả năng sinh lý nhưng cố tình giấu; biết mình bị nhiễm HIV nhưng cố tình giấu…) nên bên bị lừa dối đã đồng ý kết hôn;

Xét vào trường hợp của bạn, việc chồng bạn cố tình che giấu sự thật rằng bản thân không có khả năng sinh lý là hành vi lừa dối kết hôn.

Bởi, nếu ngay từ đầu chồng bạn thừa nhận việc anh ấy không có khả năng sinh lý thì có thể hai bạn đã không đăng ký kết hôn.

Theo đó, việc đăng ký kết hôn của hai bạn thuộc trường hợp kết hôn trái pháp luật do vi phạm pháp luật về điều kiện kết hôn, đó là có hành vi lừa dối kết hôn thuộc trường hợp bị cấm theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.


2. Lừa dối kết hôn bị xử lý như thế nào?

2.1 Nguyên tắc xử lý hành vi lừa dối kết hôn

Về nguyên tắc, Nhà nước sẽ không thừa nhận các trường hợp kết hôn mà thiếu sự tự nguyện của một trong hai bên hoặc cả hai bên nam nữ khi kết hôn.

Do vậy, việc kết hôn trái pháp luật do bị lừa dối kết hôn sẽ bị Toà án có thẩm quyền xem xét và huỷ việc kết hôn trái pháp luật đó.

Tuy nhiên, huỷ kết hôn trái pháp luật do lừa dối kết hôn gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hai người kết hôn trái pháp luật và con cái của họ.

Vì vậy, khi xử lý các trường hợp trên, Toà án phải điều tra làm rõ hành vi vi phạm, mức độ vi phạm cũng như hoàn cảnh vi phạm.

Đặc biệt là phải xem xét và đánh giá thực chất quan hệ tình cảm giữa hai người từ khi kết hôn cho đến nay, từ đó toà án có quyết định xử lý đúng đắn, bảo đảm thấu tình đạt lý.

2.2 Ai được quyền yêu cầu hủy kết hôn do bị lừa dối?

Khi việc kết hôn được xác định có căn cứ là lừa dối thì Tòa án sẽ hủy kết hôn trái pháp luật đó khi có yêu cầu.

Vậy ai là người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật trong trường hợp nêu trên?

Để trả lời cho câu hỏi này thì theo Điều 10 Luật hôn nhân gia đình 2014:

1. Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật này.

2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này:

a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Như vậy, đối với trường hợp kết hôn do bị lừa dối, người bị lừa dối có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Hoặc nếu không thể tự mình thực hiện, người bị lừa dối có thể đề nghị cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án giải quyết.

Trường hợp những cá nhân, tổ chức khác phát hiện có dấu hiệu lừa dối kết hôn thì có thể đề nghị Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ để các cơ quan này yêu Tòa án tuyên bố hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Theo đó, xét vào trường hợp của bạn thì bạn là người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật do bị chồng lừa dối kết hôn.

Hoặc bạn có thể đề nghị Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ để cơ quan này yêu cầu Tòa án hủy kết hôn trái pháp luật.

Trường hợp nếu người nhà bạn phát hiện việc bạn bị lừa dối kết hôn họ cũng có thể đề nghị cơ quan nêu trên làm thủ tục yêu cầu hủy kết hôn của hai vợ chồng bạn tại Tòa án có thẩm quyền.


3. Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật do bị lừa dối kết hôn

3.1 Về quan hệ nhân thân

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Luật hôn nhân gia đình 2014, khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.

Trong trường hợp các bên không tuân theo quy định ấy và vẫn duy trì quan hệ như vợ chồng thì:

  • Nếu cả hai bên tiếp tục duy trì quan hệ hôn nhân một cách tự nguyện, thì coi như không còn sự cưỡng ép hoặc lừa dối.

Hai bên có thể thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền.

Nếu không đăng kí kết hôn lại, hai bên rơi vào tình trạng chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn, đây là trường hợp mà pháp luật không cấm nhưng cũng không khuyến khích.

  • Nếu một trong hai bên hoặc người thứ ba tiếp tục tiếp tục cưỡng ép bên kia duy trì quan hệ như vợ chồng trái với ý chí của bên kia, thì người cưỡng ép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.

3.2 Về quan hệ tài sản

Theo quy định của pháp luật, quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên khi việc kết hôn bị hủy do bị lừa dối được giải quyết theo quy định tại Điều 16 của Luật này.

1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

Như vậy, sau khi việc kết hôn bị hủy, tài sản riêng của ai vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó.

Tài sản chung được chia theo thoả thuận.

Nếu không thoả thuận được, thì hai bên có thể yêu cầu Toà án giải quyết.

Toà án giải quyết có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và các con.

Vì không có quan hệ vợ chồng, không có cơ sở để xác lập quan hệ nghĩa vụ cấp dưỡng giữa hai bên trong trường hợp một bên lâm vào cảnh sống túng thiếu sau khi hôn nhân bị huỷ.

3.3 Về quan hệ giữa cha, mẹ và con

Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Hôn nhân gia đình 2014, khi việc kết hôn trái pháp luật do lừa dối bị huỷ, thì quyền lợi của con cái được giải quyết như khi ly hôn.

Theo đó, cha mẹ vẫn tiếp tục có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc con đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Người cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng con thì có nghĩa vụ cấp dưỡng đồng thời có quyền thăm nom con,…

Trường hợp cha mẹ tiếp tục chung sống như vợ chồng thì các vấn đề cấp dưỡng có thể không đặt ra nếu không có yêu cầu, cả hai bên cùng trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con, tạo điều kiện tốt nhất về mọi mặt cho con.


4. Cơ sở pháp lý

  • Luật Hôn nhân và gia đình 2014
  • Bộ luật tố tụng dân sự 2015
  • Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP
  • Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000

Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về thắc mắc liên quan đến việc lừa dối kết hôn.

Bạn vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn cụ thể và giải đáp thắc mắc.

Trân trọng./.

5/5 - (3 bình chọn)
Đội ngũ tác giả Công ty Luật Quang Huy
Đội ngũ tác giả Công ty Luật Quang Huy
Với phương châm "Luật sư của mọi nhà", Luật Quang Huy đang nỗ lực không ngừng để tạo nên một hành lang pháp lý vững chắc, an toàn cho Quý khách hàng!
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HỎI MIỄN PHÍ NGAY

Scroll to Top