Mẫu đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

mẫu đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Giải thể hay phá sản đều là những thủ tục pháp lý phức tạp của doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Nếu bạn cần Luật sư hỗ trợ khi chấm dứt hoạt động kinh doanh, vui lòng liên hệ hotline 09.678910.86 để được tư vấn miễn phí. Trân trọng.

Trong trường hợp doanh nghiệp làm ăn thua lỗ dẫn đến việc hoàn toàn mất khả năng thanh toán nợ, hay chi trả lương cho nhân viên thì để giải quyết vấn đề việc yêu cầu tuyên bố phá sản là điều tất yếu phải diễn ra.

Một trong các bước để thực hiện thủ tục phá sản của doanh nghiệp đó là cần phải có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Vậy đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là gì, cách viết đơn cũng như khi làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì cần lưu ý những vấn đề gì?

Bài viết dưới đây của Luật Quang Huy sẽ giải đáp các thắc mắc trên của bạn.


1. Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là gì?

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã không còn khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.

Vậy để xác định việc phá sản của doanh nghiệp thì các đối tượng có quyền sẽ phải làm đơn để yêu cầu lên Toà án và đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản chính là mẫu đơn mà các đối tượng chủ nợ, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản… gửi lên Toà án để yêu cầu mở thủ tục tuyên bố doanh nghiệp phá sản.

Đối với doanh nghiệp việc yêu cầu tuyên bố phá sản là một hình thức để thông báo chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp, cũng như nhằm giải thoát doanh nghiệp khỏi các khoản nợ hoặc nghĩa vụ không có khả năng thực hiện.

Đối với các chủ nợ và người lao động trong doanh nghiệp, việc yêu cầu tuyên bố doanh nghiệp phá sản là một hình thức để có thể nhờ cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ thanh lý tài sản của doanh nghiệp để thu hồi nợ, thanh toán các khoản tiền lương hoặc các nghĩa vụ khác mà doanh nghiệp chưa chi trả.


2. Mẫu đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Hiện nay không có quy định về một mẫu đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản áp dụng trong mọi trường hợp, mà tuỳ theo từng đối tượng làm đơn và tình hình thực tế mà có thể chuẩn bị mẫu đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của mình.

Bạn có thể tham khảo mẫu đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản Luật Quang Huy gửi đến bạn dưới đây:

2.1 Mẫu đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản dành cho chủ nợ

Bạn có thể tham khảo mẫu đơn này ở link dưới đây:

TẢI MẪU ĐƠN YÊU CẦU MỞ THỦ TỤC PHÁ SẢN DÀNH CHO CHỦ NỢ

Hướng dẫn ghi đơn:

(1) Ghi địa điểm làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (ví dụ: Hà Nội, ngày….. tháng ….. năm……).

(2) Nếu người làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là cá nhân thì ghi họ, tên, năm sinh, số chứng minh thư nhân dân, ngày cấp, nơi cấp. Nếu người yêu cầu mở thủ tục phá sản là pháp nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân…thì ghi họ, tên, chức vụ (nếu có) người đại diện theo pháp luật của mình.

(3) Ghi địa chỉ trụ sở chính nếu là pháp nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân…, nếu là cá nhân thì ghi đầy đủ  địa chỉ nơi cư trú.

(4) Ghi tên doanh nghiệp, hợp tác xã; ghi địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, hợp tác xã.

(5) Ghi họ, tên người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, chức vụ của họ.

(6) Ghi cụ thể các khoản nợ mà doanh nghiệp, hợp tác xã chưa thanh toán bao gồm khoản nợ đã đến hạn, khoản nợ chưa đến hạn, khoản nợ có bảo đảm, khoản nợ không có bảo đảm, nếu là khoản nợ có bảo đảm thì ghi rõ tài sản bảo đảm, địa chỉ tài sản bảo đảm.

(7)  Ghi rõ thời gian (ngày, tháng, năm) chủ nợ có văn bản đòi nợ, văn bản khất nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã.

(8) Doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi có chủ nợ yêu cầu.

(9) Nếu người yêu cầu mở thủ tục phá sản là cá nhân thì phải có chữ ký hoặc điểm chỉ và ghi họ tên của người đó; nếu người yêu cầu mở thủ tục phá sản là pháp nhân, doanh nghiệp tư nhân…thì người đại diện theo pháp luật ký tên, ghi rõ họ, tên, chức vụ của mình và đóng dấu của pháp nhân, doanh nghiệp tư nhân.

2.2 Mẫu đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản dành cho người lao động, đại diện công đoàn

Bạn có thể tham khảo mẫu đơn này ở link dưới đây:

TẢI MẪU ĐƠN YÊU CẦU MỞ THỦ TỤC PHÁ SẢN DÀNH CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG, ĐẠI DIỆN CÔNG ĐOÀN

Hướng dẫn ghi đơn:

(1) Ghi địa điểm làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (ví dụ: Hà Nội, ngày….. tháng ….. năm……).

(2) Nếu người yêu cầu mở thủ tục phá sản là người lao động, người đại diện người lao động hoặc là người đại diện công đoàn thì ghi họ, tên; năm sinh, số chứng minh thư nhân dân, ngày cấp, nơi cấp, chức vụ (nếu có).

(3) Ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú, nơi công tác của người lao động, người đại diện người lao động hoặc người đại diện công đoàn.

(4) Ghi tên doanh nghiệp, hợp tác xã, ghi địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, hợp tác xã.

(5) Ghi họ, tên người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, chức vụ của họ.

(6) Ghi cụ thể số tháng lương và các khoản nợ khác mà người lao động đã đòi nhưng doanh nghiệp, hợp tác xã không trả được.

(7)  Doanh nghiệp, hợp tác xã không trả được lương, các khoản nợ khác cho người lao động và nhận thấy doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản.

(8) Nếu người yêu cầu mở thủ tục phá sản là người lao động thì phải có chữ ký hoặc điểm chỉ và ghi họ tên của người đó; nếu người yêu cầu mở thủ tục phá sản là người đại diện người lao động hoặc là người đại diện công đoàn thì phải ký tên, ghi họ, tên, chức vụ (nếu có).

2.3 Mẫu đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản dành cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cổ đông của doanh nghiệp, thành viên hợp tác xã

Bạn có thể tham khảo mẫu đơn này ở link dưới đây:

TẢI MẪU ĐƠN YÊU CẦU MỞ THỦ TỤC PHÁ SẢN DÀNH CHO DOANH NGHIỆP, HỢP TÁC XÃ, CỔ ĐÔNG CỦA DOANH NGHIỆP, THÀNH VIÊN HỢP TÁC XÃ

Hướng dẫn ghi đơn:

(1) Ghi địa điểm làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (ví dụ: Hà Nội, ngày….. tháng ….. năm……).

(2) Ghi họ, tên, năm sinh, số chứng minh thư nhân dân, ngày cấp, nơi cấp, chức vụ của người nộp đơn.

(3) Ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú của người nộp đơn.

(4) Ghi tên và địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, hợp tác xã.

(5) Ghi họ, tên và chức vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã.

(6) Ghi rõ các căn cứ chứng minh doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

(7) Ghi họ, tên chức vụ người đại diện theo pháp luật và đóng dấu của doanh nghiệp, hợp tác xã có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.


3. Hướng dẫn cách điền thông tin đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Về cơ bản khi điền thông tin đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cần có đầy đủ các phần:

  • Quốc hiệu tiêu ngữ; địa phương, ngày tháng năm làm đơn; tên đơn (Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, ghi rõ với tên doanh nghiệp là gì); căn cứ theo quy định pháp luật; kính gửi Toà án có thẩm quyền.
  • Nội dung chính của đơn.
  • Kết thúc: Cuối đơn người làm đơn ký ghi rõ họ tên và đóng dấu (nếu có).

Về phần nội dung chính của đơn, đối với từng đối tượng sẽ có các ghi nội dung khác nhau. Người làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản về cơ bản có thể chia thành 3 nhóm đối tượng:

  • Chủ nợ của doanh nghiệp.
  • Người lao động, đại diện công đoàn của doanh nghiệp.
  • Doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản, thành viên hợp tác xã, chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước, cổ đông công ty cổ phần, thành viên công ty hợp danh.

Từng nhóm đối tượng mà nội dung của đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được ghi như sau:

  • Đối với nhóm chủ nợ của doanh nghiệp, các nội dung chính của đơn cần phải có:
  • Ngày, tháng, năm làm đơn.
  • Tên, địa chỉ của người làm đơn.
  • Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản.
  • Các khoản nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần đến hạn mà không đ­ược doanh nghiệp, hợp tác xã thanh toán.
  • Quá trình đòi nợ.
  • Căn cứ của việc yêu cầu mở thủ tục phá sản.
  • Đối với nhóm người lao động, đại diện công đoàn của doanh nghiệp, các nội dung chính của đơn cần phải có:
  • Ngày, tháng, năm làm đơn.
  • Tên, địa chỉ của người làm đơn.
  • Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản.
  • Số tháng nợ tiền lương, tổng số tiền lương và các khoản nợ khác mà doanh nghiệp, hợp tác xã không trả được cho người lao động.
  • Căn cứ của việc yêu cầu mở thủ tục phá sản.
  • Đối với nhóm doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản, các nội dung chính của đơn cần phải có:
  • Ngày, tháng, năm làm đơn.
  • Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã.
  • Căn cứ của việc yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Các nội dung trong đơn cần được trình bày đầy đủ rõ ràng, có thể kèm theo tài liệu chứng cứ để Tòa án dễ dàng xác minh, làm việc.

mẫu đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
mẫu đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

4. Một số lưu ý về đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

4.1 Đối tượng nào có thể nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp?

Người có quyền nộp đơn yêu cầu phá sản được quy định tại Điều 5 Luật Phá sản 2014 cụ thể như sau:

  • Chủ nợ: bao gồm cả chủ nợ không có bảo đảm và chủ nợ có bảo đảm một phần.
    Có đảm bảo ở đây là tài sản của doanh nghiệp dùng để đảm bảo (cầm cố, thế chấp) cho khoản vay, có thể thông qua các hình thức như giấy ghi nợ, hợp đồng vay, hợp đồng mua bán vật liệu, hoặc các loại giấy tờ hợp đồng, cam kết, xác nhận khác để chứng minh.

Đối tượng này có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

  • Người lao động, công đoàn cơ sở, trường hợp chưa thành lập công đoàn cơ sở thì đoàn cấp trên trực tiếp có thể đứng ra đại diện:

Những người này có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản trong trường hợp bị nợ lương. Tức là đã hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương hoặc các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

  • Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã: nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán cho đối tác, người lao động hoặc chủ nợ.
  • Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh: nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
  • Cổ đông hoặc nhóm cổ đông trong công ty cổ phần sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán.
    Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.
  • Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

4.2 Đối tượng nào không có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản?

Hiện nay pháp luật chỉ quy định về những đối tượng có quyền nộp đơn yêu cầu Toà án tuyên bố doanh nghiệp phá sản chứ không có quy định cụ thể về đối tượng không được nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Vậy nên ta sẽ hiểu với những đối tượng chứng minh được mình là người có quyền nộp đơn yêu cầu phá sản được quy định tại Điều 5 Luật Phá sản 2014 nêu trên thì sẽ được Tòa án chấp nhận yêu cầu giải quyết, với những đối tượng không thuộc các đối tượng có quyền thì không thể yêu cầu Toà án làm thủ tục tuyên bố phá sản với doanh nghiệp.

4.3 Cơ quan nào có thẩm quyền thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản?

Hiện nay, thẩm quyền thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thuộc về Toà án nhân dân các cấp và được quy định tại Điều 8 Luật Phá sản 2014, chia cho 2 cấp có thẩm quyền là:

  • Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp tỉnh).
  • Tòa án nhân dân các quận, huyện, thành phố, thị xã (sau đây gọi chung là Toà án nhân dân cấp huyện).

Theo đó thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hợp tác xã trên địa bàn của Tòa án được quy định cụ thể như sau:

  • Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết các vụ việc:
  • Vụ việc phá sản có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài.

Trong đó tài sản ở nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 03/2016/NQ-HĐTP được xác định theo quy định của Bộ luật dân sự ở ngoài lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

  • Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc các tỉnh khác nhau.
  • Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc các tỉnh khác nhau.
  • Vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện mà do tính chất phức tạp của vụ việc phải chuyển giao cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh để giải quyết.
  • Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính tại huyện, quận, thị xã, thành phố trên địa bàn của mình và không thuộc trường hợp Luật quy định thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp tỉnh.

5. Cơ sở pháp lý

  • Luật Phá sản 2014.
  • Luật Doanh nghiệp 2020.
  • Nghị quyết 03/2016/NQ-HĐTP.

Trên đây là toàn bộ nội dung về vấn đề Mẫu đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Qua bài viết, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ về vấn đề này hơn.

Nếu còn điều gì chưa rõ, cần hỗ trợ, các bạn có thể liên hệ đến Tổng đài tư vấn luật doanh nghiệp trực tuyến của Luật Quang Huy qua HOTLINE 19006588.

Xin chân thành cảm ơn./.

5/5 - (1 bình chọn)
Nguyễn Quang Huy
Nguyễn Quang Huy
Cố vấn cao cấp, giảng viên khoa pháp luật kinh tế – trường Đại học Luật Hà Nội. Tốt nghiệp Thạc sĩ Luật Đại học Duke (Hoa Kỳ), có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các công ty luật lớn trên thế giới.
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
chat-zalo
phone-call

GỌI 09.678910.86 NGAY

Scroll to Top