Sổ đỏ là gì? Sổ hồng là gì? Phân biệt sổ đỏ và sổ hồng

Phân biệt sổ đỏ và sổ hồng theo quy định pháp luật
Bạn cần tư vấn luật đất đai?
Liên hệ 1900.6784 để được luật sư giải đáp hoàn toàn miễn phí!

Sổ đỏ và sổ hồng là hai loại giấy tờ pháp lý thể hiện quyền sử dụng đất và nhà ở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sở hữu. Tuy nhiên có nhiều người bị nhầm lẫn giữa hai cách gọi trên.

Trong bài viết này, Luật Quang Huy sẽ hướng dẫn mọi người phân biệt hai khái niệm “sổ hồng” và “sổ đỏ” cũng như cách phân biệt “sổ hồng”, “sổ đỏ” thật với giả.


1. Sổ đỏ là gì?

Sổ đỏ là tên gọi tắt của cụm từ “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” (GCNQSDĐ), còn tên gọi đầy đủ khác nữa theo Luật Đất đai 2013 là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất” có thể hiểu như sau:

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đai là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Sổ đỏ còn tên gọi khác giấy đỏ hoặc bìa đỏ.


2. Sổ hồng là gì?

Pháp luật đất đai và nhà ở không quy định thuật ngữ “Sổ hồng”.

Tương tự đối với “Sổ đỏ”, “Sổ hồng” là cách người dân thường gọi dùng để chỉ Giấy chứng nhận về nhà đất dựa theo màu sắc. Cách hiểu về sổ hồng thay đổi từ khi nghị định 88/2009/NĐ-CP ban hành.

Trước ngày 10/12/2009, ở Việt Nam tồn tại loại Giấy chứng nhận mà bìa có màu hồng dùng để chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (thường gọi là Sổ hồng theo mẫu của Bộ Xây dựng) và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa màu đỏ – thường gọi là Sổ đỏ theo mẫu của Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Từ ngày 10/12/2009, khi Nghị định 88/2009/NĐ-CP có hiệu lực thì người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận theo một mẫu thống nhất với tên gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Như vậy có thể hiểu trước 2009, “sổ hồng” là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Sau 2009, “sổ hồng” là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Phân biệt sổ đỏ và sổ hồng theo quy định pháp luật
Phân biệt sổ đỏ và sổ hồng theo quy định pháp luật

3. Phân biệt sổ đỏ và sổ hồng

Như đã đề cập ở trên, sổ hồng và sổ đỏ chỉ khác nhau khi được cấp trước ngày 10/12/2009.

Từ ngày 10/12/2009 thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp một loại Giấy chứng nhận áp dụng trong phạm vi cả nước; nên cách gọi “Sổ hồng” và “Sổ đỏ” dùng để chỉ Giấy chứng nhận được cấp từ ngày 10/12/2009 đến nay là không khác nhau, đều chỉ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo mẫu của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

  • Đối với thời gian trước 2009:
Tiêu chí Sổ đỏ Sổ hồng
Đối tượng Quyền sử dụng đất Quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở
Cơ quan ban hành Do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Do Bộ Xây dựng ban hành
Màu sắc Màu đỏ Màu hồng nhạt
  • Hiện nay, Nhà nước chỉ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Giấy chứng nhận này có màu hồng nên thường được gọi là “sổ hồng”.

4. Sổ đỏ và sổ hồng có giá trị quan trọng hơn?

Như đã đề cập, trước 2009 tồn tại song song 2 loại giấy chứng nhận “sổ hồng”, “sổ đỏ”.

Về mặt giá trị pháp lý, Sổ đỏ, Sổ hồng có giá trị pháp lý như nhau vì đều là chứng thư pháp lý được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất, người sở hữu nhà ở.

Về mặt giá trị thực tế: không thể so sánh được bởi đối tượng chứng nhận ở đây khác nhau. Giá trị của loại bất động sản sẽ phụ thuộc vào giá trị thị trường.

Từ 2009 trở đi, Nghị định 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định thống nhất hai loại giấy nêu trên thành một loại giấy chung có tên gọi: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Thông tư 23/2014/TT-BTNMT cũng đã khẳng định lại nội dung trên

Do đó, giá trị pháp lý và thực tế của cả hai loại sổ sẽ như nhau bởi chúng đã gộp thành một.


5. Có bắt buộc đổi từ sổ đỏ sang sổ hồng không?

Luật đất đai 2013 quy định rằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 vẫn có giá trị pháp lý và không phải đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Như vậy sẽ không bắt buộc đổi từ sổ đỏ sang sổ hồng mới (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất).


6. Cách nhận biết sổ đỏ, sổ hồng giả?

6.1 Kiểm tra bằng kính lúp

Sổ đỏ, sổ hồng thật sử dụng công nghệ in offset nên có màu sắc sắc nét, cùng một màu mực trên một chi tiết in. Mọi họa tiết, hoa văn trên giấy màu hồng đều được tạo bởi tổ hợp các chấm mực màu hồng.

Sổ đỏ, sổ hồng giả chỉ sử dụng công nghệ in màu kỹ thuật số nên sẽ thấy nhiều hạt mực có màu sắc khác nhau trên một chi tiết in. Bên cạnh đó, màu sắc mờ nhạt, không sắc nét. Xuất hiện nhiều chấm mực màu hồng khác nhau ở trên những họa tiết, hoa văn màu hồng trên giấy.

6.2 Kiểm tra bằng ánh đèn pin

Cách kiểm tra: Dùng ánh sáng đèn pin chiếu xiên một góc 10 – 20 độ tại góc dưới bên phải có hình dấu ở mặt trước.

Sổ đỏ, sổ hồng thật:

  • Với sổ đỏ, sổ hồng thật khi thực hiện phương pháp chiếu xiên trên, ở bên phải mặt trước thuộc vị trí góc dưới sẽ nhận ra mã số hiệu. Mã số này được in hoặc đóng bằng phương pháp in typo ở vị trí chính giữa dấu nổi.
  • Hình dấu rất rõ nội dung và được tạo bằng các chi tiết lồi.

Sổ đỏ, sổ hồng giả:

  • Trong khi đó những giấy tờ giả, mã số hiệu này sẽ đóng hoặc in lệch so với hình dấu nổi. Hơn nữa công nghệ in màu kỹ thuật số nên rất mờ và không sắc nét.
  • Hình dấu không rõ nội dung và được tạo ra bởi các chi tiết lõm.

6.3 Kiểm tra con dấu

Nhiều trường hợp, sử dụng phôi thật nhưng các yếu tố khác đều là giả như chữ ký. Hình dấu, sổ giả. Vì vậy, bạn có thể kiểm tra kỹ con dấu.

  • Sổ thật: Hình của con dấu sổ thật sẽ có màu đồng nhất và không bị lẫn lộn với những màu khác.
  • Sổ giả: Hình con dấu chỉ cần quan sát thật kỹ, bạn sẽ thấy xuất hiện màu vàng hoặc xanh xen lẫn với màu đỏ đen.

6.4 Kiểm tra tại Luật Quang Huy

Để chắc chắn, sổ hồng, sổ đỏ có phải là thật hay không thì cách tốt nhất bạn hãy mang đến Luật Quang Huy.

Tại đây, các Luật sư, chuyên viên pháp lý đã có nhiều năm kinh nghiệm sẽ dễ dàng nhận định được đó là sổ giả hay sổ thật một cách chính xác nhất mà không tốn nhiều thời gian.


7. Nên mua nhà có sổ đỏ hay sổ hồng?

Như đã đề cập ở trên, về mặt pháp lý, sổ đỏ và sổ hồng đều có tính pháp lý tương đương. Chúng đều là giấy chứng nhận về sở hữu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép.

Với những sổ đỏ và sổ hồng được cấp trước ngày 10/12/2009 vẫn có giá trị pháp lý và không cần phải chuyển đổi sang giấy chứng nhận mới.

Như vậy, thực tế hiện nay đang tồn tại song song 3 loại giấy chứng nhận quyền sử dụng. Cả 3 loại này đều có giá trị pháp lý tương đương.

Vậy nên mua nhà có sổ đỏ hay sổ hồng không quan trọng. Điều cần lưu ý chính là những giấy tờ đó phải thực sự có tính pháp lý và được xác minh độ chính xác tuyệt đối.


8. Cơ sở pháp lý

  • Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
  • Luật đất đai năm 2013.

Qua bài viết này chúng tôi mong rằng sẽ giúp bạn nắm được rõ về chủ đề này.

Luật Quang Huy là công ty có kinh nghiệm không chỉ trong việc tư vấn luật Đất đai mà còn có bề dày kinh nghiệm trong vai trò là hỗ trợ các thủ tục liên quan đến sổ đỏ và là Luật sư biện hộ cho nhiều tranh chấp Đất đai trong cả nước.

Nếu còn điều gì chưa rõ, cần hỗ trợ, các bạn có thể liên hệ tới Tổng đài tư vấn luật Đất đai trực tuyến của Luật Quang Huy qua HOTLINE 19006588.

Trân trọng./.

Bạn cần tư vấn luật đất đai?
Liên hệ 1900.6784 để được luật sư giải đáp hoàn toàn miễn phí!
5/5 - (3 bình chọn)
Đội ngũ tác giả Công ty Luật Quang Huy
Đội ngũ tác giả Công ty Luật Quang Huy
Với phương châm "Luật sư của mọi nhà", Luật Quang Huy đang nỗ lực không ngừng để tạo nên một hành lang pháp lý vững chắc, an toàn cho Quý khách hàng!
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HỎI MIỄN PHÍ NGAY

Scroll to Top