Điều kiện, quy trình cưỡng chế thu hồi đất

Cưỡng chế thu hồi đất
Bạn cần tư vấn luật đất đai?
Liên hệ 1900.6784 để được luật sư giải đáp hoàn toàn miễn phí!

Cưỡng chế thu hồi đất là biện pháp cuối cùng mà Nhà nước áp dụng nhằm buộc người dân thực hiện quyết định thu hồi. Tuy vậy, lại có nhiều người chưa thực sự hiểu rõ về biện pháp này. Vậy cưỡng chế thu hồi đất là gì? Các trường hợp cưỡng chế thu hồi đất theo pháp luật hiện hành là gì?

Nguyên tắc cưỡng chế thu hồi đất là gì? Điều kiện cưỡng chế thu hồi đất hiện nay như thế nào? Hồ sơ cưỡng chế thu hồi đất gồm những giấy tờ gì? Thẩm quyền cưỡng chế thu hồi đất được quy định như thế nào, quy trình cưỡng chế thu hồi đất ra sao? Trách nhiệm tổ chức, cá nhân khi thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất được quy định ra sao?

Xin mời các bạn cùng đọc bài viết dưới đây, Luật Quang Huy sẽ phân tích và chỉ rõ để các bạn hiểu những vấn đề được chúng tôi đề cập phía trên.


1. Cưỡng chế thu hồi đất là gì?

Hiện nay tại Điều 3 về giải thích từ ngữ Luật đất đai 2013 không đề cập đến khái niệm cưỡng chế thu hồi đất. Tuy nhiên, hiểu theo cách chung nhất, cưỡng chế thu hồi đất là biện pháp cuối cùng mà Nhà nước áp dụng nhằm buộc người dân phải thực hiện quyết định thu hồi đất.

Trên thực tế do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau và trong những trường hợp cần thiết, Nhà nước bằng quyền lực của mình vẫn phải thực thi việc cưỡng chế thu hồi đất đối với người có đất bị thu hồi. Do cưỡng chế thu hồi đất có tính chất nhạy cảm này nên pháp luật phải có quy định những cụ thể, chi tiết để cơ quan có thẩm quyền không được tùy tiện lạm dụng biện pháp này.


2. Các trường hợp thu hồi đất

Về nguyên tắc, Nhà nước giao quyền sử dụng đất cho người dân, người dân khi được giao quyền sử dụng đất được thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất, được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.

Nếu hết thời hạn sử dụng đất hoặc thuộc một trong các trường hợp khác được quy định trong Luật thì Nhà nước quyết định thu hồi đất của người sử dụng đất. Người sử dụng đất có nghĩa vụ giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất.

Trường hợp người sử dụng đất không chấp hành quy định của pháp luật về việc giao lại đất, Nhà nước sẽ tiến hành cưỡng chế thu hồi đất. Có thể kể đến một số trường hợp Nhà nước thu hồi đất như sau:

  • Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;
  • Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;
  • Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.

3. Nguyên tắc cưỡng chế thu hồi đất

Theo tinh thần pháp luật đất đai hiện hành và thực tế thực thi, việc cưỡng chế thu hồi đất được thực hiện dựa trên các nguyên tắc sau:

  • Việc cưỡng chế phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định.
  • Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính.

Theo đó, người bị cưỡng chế có thể dựa vào nguyên tắc trên để bảo vệ quyền và lợi ích của mình nếu người thực hiện cưỡng chế không tuân thủ đúng quy định.

Cưỡng chế thu hồi đất
Cưỡng chế thu hồi đất

4. Điều kiện cưỡng chế thu hồi đất

Điều kiện cưỡng chế thu hồi đất được quy định tại khoản 2 Điều 71 Luật Đất đai năm 2013. Theo đó việc cưỡng chế thu hồi đất được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau:

  • Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã vận động, thuyết phục;
  • Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi;
  • Quyết định cưỡng chế  thực hiện quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành;
  • Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành;
  • Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì UBND cấp xã lập biên bản.

5. Hồ sơ cưỡng chế thu hồi đất

Khi thực hiện thủ tục cưỡng chế thu hồi đất, các cơ quan nhà nước phải chuẩn bị các loại giấy tờ sau theo quy định tại Thông tư 30/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất:

  • Quyết định thu hồi đất;
  • Văn bản đề nghị cưỡng chế thu hồi đất của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng;
  • Báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã  nơi có đất thu hồi về quá trình  vận động, thuyết phục người có đất thu hồi theo quy định nhưng không chấp hành việc bàn giao đất cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng;
  • Tờ trình kèm theo dự thảo quyết định cưỡng chế thu hồi đất.

6. Thẩm quyền cưỡng chế thu hồi đất

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 71 Luật Đất đai năm 2013, người có thẩm quyền ban hành và thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất là Chủ tịch UBND cấp huyện.


7. Trách nhiệm tổ chức, cá nhân khi thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất

Khi thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tuân thủ nghiêm ngặt và thực thi các trách nhiệm sau:

  • UBND cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cưỡng chế, giải quyết khiếu nại; thực hiện phương án tái định cư; bảo đảm điều kiện, phương tiện cần thiết; bố trí kinh phí cưỡng chế thu hồi đất;
  • Ban thực hiện cưỡng chế chủ trì lập phương án cưỡng chế và dự toán kinh phí; thực hiện cưỡng chế; bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng;
  • Trường hợp trên đất thu hồi có tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải bảo quản tài sản; chi phí bảo quản tài sản đó do chủ sở hữu chịu trách nhiệm thanh toán;
  • Lực lượng Công an bảo vệ trật tự, an toàn trong quá trình tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất;
  • UBND cấp xã nơi có đất thu hồi thực hiện việc giao, niêm yết công khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất; tham gia thực hiện cưỡng chế; phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng niêm phong, di chuyển tài sản của người bị cưỡng chế thu hồi đất;
  • Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm phối hợp với Ban thực hiện cưỡng chế thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất khi Ban thực hiện cưỡng chế có yêu cầu.

8. Cơ sở pháp lý:

  • Luật đất đai 2013;
  • Thông tư 30/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ  giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất.

Trên đây là toàn bộ nội dung hướng dẫn của chúng tôi về các trường hợp cơ quan nhà nước cưỡng chế thu hồi đất, thẩm quyền cưỡng chế thu hồi đất cũng như các trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi cưỡng chế thu hồi đất.

Luật Quang Huy là công ty có kinh nghiệm không chỉ trong việc tư vấn pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người sử dụng đất khi bị thu hồi mà còn có bề dày kinh nghiệm trong vai trò là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng khi bị thu hồi đất trong cả nước.

Nếu còn điều gì chưa rõ, cần hỗ trợ, các bạn có thể liên hệ tới Tổng đài tư vấn luật Đất đai trực tuyến của Luật Quang Huy qua HOTLINE 19006588.

Trân trọng./.

Bạn cần tư vấn luật đất đai?
Liên hệ 1900.6784 để được luật sư giải đáp hoàn toàn miễn phí!
5/5 - (3 bình chọn)
Luật sư Nguyễn Huy Khánh
Luật sư Nguyễn Huy Khánh
Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Quang Huy và Cộng sự. Có nhiều kinh nghiệm tư vấn và tranh tụng trong các lĩnh vực dân sự, hình sự, đất đai, hành chính.
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HỎI MIỄN PHÍ NGAY

Scroll to Top