Thế chấp sổ bảo hiểm xã hội để vay tiền có vi phạm pháp luật không?

Thế chấp sổ bảo hiểm xã hội
Nếu có vấn đề cần giải đáp thắc mắc về bảo hiểm xã hội, bạn vui lòng liên hệ ngay qua số điện thoại Tổng đài hỏi đáp bảo luật hiểm xã hội 19006573 để được tư vấn hỗ trợ trực tuyến.

1. Cơ sở pháp lý

  • Luật bảo hiểm xã hội năm 2014
  • Bộ luật dân sự năm 2015
  • Nghị định số 95/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

2. Thế chấp sổ bảo hiểm xã hội có vi phạm pháp luật không?

Điều 317 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về thế chấp tài sản như sau:

1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).

2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp”.

Thế chấp sổ bảo hiểm xã hội để vay tiền

Như vậy việc thế chấp tài sản hợp pháp là khi tài sản đó thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp. Do đó, việc người lao động thế chấp sổ bảo hiểm xã hội để vay tiền là không trái so với quy định của pháp luật. Việc người lao động dùng sổ bảo hiểm của mình để thế chấp cho ngân hàng, cho tổ chức tín dụng hoặc cho một cá nhân nào đó chỉ là một giao dịch dân sự thông thường và không trái với quy định của Bộ luật dân sự.


3. Vấn đề cấp lại sổ bảo hiểm xã hội đã thế chấp

Hiện nay, các quy định của pháp luật về vấn đề cấp lại sổ bảo hiểm xã hội khá dễ dàng và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động. Người lao động chỉ cần có đơn trình báo mất sổ bảo hiểm xã hội, đơn đề nghị cấp lại sổ bảo hiểm xã hộ, tờ khai cấp sổ… Sau đó, nộp những giấy tờ trên cho cơ quan bảo hiểm xã hội, trong thời hạn giải quyết theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ cấp lại sổ cho người lao động.

Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động khi gặp các sự cố mất sổ bảo hiểm xã hội. Song đáng tiếc có một số trường hợp lợi dụng quy định để báo mất sổ bảo hiểm xã hội và làm thủ tục xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội.

Khi người lao động có gian dối trong việc khai mất sổ để làm lại sổ mới mà bị cơ quan bảo hiểm xã hội phát hiện thì sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP về vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội:

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp …”.

Như vậy, người lao động dùng sổ bảo hiểm xã hội để thế chấp mà lại tiến hành khai báo mất sổ nếu bị cơ quan bảo hiểm phát hiện sẽ bị xử phạt hành chính từ 500.000  đồng đến 1.000.000 đồng.

4. Những rủi ro có thể xảy ra khi người lao động thế chấp sổ bảo hiểm xã hội

4.1 Rủi ro đối với người lao động

Như đã phân tích như trên, người lao động nếu vi phạm vào khoản 1 Điều 27 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Và khi sổ bảo hiểm đã bị cầm cố, thế chấp sẽ ảnh hưởng rất lớn tới những quyền lợi về an sinh xã hội đối với người lao động. Khi có rủi ro xảy ra, mà sổ bảo hiểm của người lao động hiện tại lại không do người lao động giữ, không do công ty giữ và cơ quan bảo hiểm xã hội cũng không quản lý được thì vấn đề giải quyết quyền lợi sẽ rất khó khăn.

Hơn nữa, phần lớn người lao động tiến hành thế chấp sổ bảo hiểm là thế chấp cho cá nhân (có thể là đồng nghiệp, bạn bè,…) vì hiện tại một số ngân hàng sẽ không nhận thế chấp sổ bảo hiểm xã hội và nếu có thì quá trình rà soát quản lý cũng như thủ tục cũng phức tạp hơn. Chính vì vậy, người lao động vay của người khác sẽ phải chịu một mức lãi suất tương tối cao (thường là từ 10% trở lên), với khả năng chi trả thấp nên sẽ có nguy cơ không thể chi trả được. Khi đó, người lao động sẽ không lấy được sổ về và sẽ không được giải quyết những quyền lợi của mình.

4.2 Rủi ro đối với người cho vay

Điều 323 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về quyền của bên nhận thế chấp như sau:

“5. Yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý khi bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

6. Giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác …”.

Căn cứ vào những quy định trên, khi người lao động không có khả năng thanh toán và người lao động cũng không nhận lại sổ bảo hiểm xã hội (do họ đã khai mất sổ và làm lại sổ khác) thì bên cho vay (ngân hàng, hay một cá nhân) sẽ có nguy cơ rủi ro, thậm chí là mất trắng số tiền cho vay.

Trong trường hợp này, nếu các ngân hàng chấp nhận cho người lao động thế chấp sổ bảo hiểm xã hội thì ngay từ đầu nên có công văn đề nghị phối hợp trong việc cấp và chi trả chế độ cho người lao động đã đem sổ bảo hiểm đi thế chấp để vay tiền, tránh tình trạng người lao động khai báo gian dối là làm mất.

Thế chấp sổ bảo hiểm xã hội

4.3 Rủi ro đối với cơ quan bảo hiểm xã hội

Về việc thế chấp sổ bảo hiểm, thực chất chỉ là một quan hệ dân sự, hơn nữa hầu hết là giữa cá nhân với cá nhân, người lao động thế chấp cho một cá nhân để vay một khoản tiền với một mức lãi suất tương đối cao. Chính vì vậy, cơ quan bảo hiểm không thể rà soát hết được tất cả các trường hợp này.

Việc người lao động gian dối trong việc khai mất sổ để làm lại sẽ khiến cơ quan bảo hiểm xã hội gặp rất nhiều rắc rối trong công tác quản lý và chi trả bảo hiểm xã hội.

Khi người lao động thế chấp sổ, đối với trường hợp thế chấp tại ngân hàng thì ngân hàng sẽ có gửi công văn cho cơ quan bảo hiểm xã hội, công tác phối hợp trong quản lý sẽ dễ dàng hơn. Còn khi người lao động thế chấp cho một người khác thì vấn đề quản lý sẽ rất khó khăn, nếu người lao động xin cấp lại sổ thì sẽ không có căn cứ để từ chối.


Qua những phân tích như trên, người lao động cần phải cân nhắc một cách kĩ lưỡng khi quyết định thế chấp sổ bảo hiểm xã hội. Hơn nữa, cần phải nắm được các quy định của pháp luật để đảm bảo không được vi phạm pháp luật, không ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, hạn chế rủi ro cho người nhận thế chấp cũng như tránh được những rắc rối trong công tác quản lý của cơ quan bảo hiểm xã hội.


Trên đây là những phân tích của chúng tôi về vấn đề thế chấp sổ bảo hiểm xã hội. Nếu nội dung còn chưa rõ, hoặc có thắc mắc cần tư vấn cụ thể hơn, bạn có thể kết nối tới Tổng đài tư vấn luật Bảo hiểm xã hội qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.

Trân trọng./.

5/5 - (33 bình chọn)
Nguyễn Thị Huyền
Nguyễn Thị Huyền
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Huyền. Hiện đang là Trưởng phòng Quản lý Nhân sự tại Công ty Luật TNHH Quang Huy và Cộng sự. Chuyên về các vấn đề pháp lý liên quan đến pháp luật lao động, pháp luật bảo hiểm,...
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

HOTLINE TƯ VẤN BHXH

Scroll to Top