Bảo hiểm xã hội là gì? #7 điều bạn cần phải biết

Bảo hiểm xã hội là gì?
Nếu có vấn đề cần giải đáp thắc mắc về bảo hiểm xã hội, bạn vui lòng liên hệ ngay qua số điện thoại Tổng đài hỏi đáp bảo luật hiểm xã hội 19006573 để được tư vấn hỗ trợ trực tuyến.

Con người muốn tồn tại và phát triển cần có sự lao động. Chính từ sự xuất hiện của lao động đã làm xuất hiện mối quan hệ giữa “người lao động” và “người sử dụng lao động”. Bên cạnh việc người sử dụng lao động phải trả cho người lao động một khoản tiền lương hàng tháng thì họ còn cần phải chi trả 1 khoản tiền khi người lao động ốm đau, tai nạn, qua đời,…

Đôi khi tai nạn lại xảy ra dồn dập dẫn đến việc người sử dụng lao động phải mất một khoản tiền rất lớn. Từ đó đã xuất hiện những quỹ tiền nhằm bảo hộ cho cuộc sống người lao động mà hiện nay được gọi là Bảo hiểm xã hội.

Bài viết dưới đây của Luật Quang Huy sẽ giúp mọi người có cái nhìn tổng quan, khái quát nhất về Bảo hiểm xã hội.


Tổng quan về bài viết

1. Bảo hiểm xã hội là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, bảo hiểm xã hội được định nghĩa như sau:

Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Như vậy, có thể hiểu, bảo hiểm xã hội là một quỹ do Nhà nước tổ chức nhằm đảm bảo sự ổn định cuộc sống của người lao động khi gặp rủi ro hoặc có nguyên nhân bất khả kháng không thể làm việc và hưởng lương, dựa trên số tiền người lao động cùng đơn vị sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

Bảo hiểm xã hội là gì?
Bảo hiểm xã hội là gì?

2. Chức năng của bảo hiểm xã hội

Nhiều người lao động thường băn khoăn và không muốn tham gia bảo hiểm xã hội, thậm chí không muốn tham gia bảo hiểm xã hội vì không hiểu rõ được bảo hiểm xã hội để làm gì?

Vậy thực chất khi đóng bảo hiểm xã hội để làm gì?

  • Thứ nhất, bảo hiểm xã hội sẽ bảo đảm thay thế hoặc bù đắp sự thiếu hụt về thu nhập của người lao động và gia đình họ khi gặp phải những rủi ro trong cuộc sống khi tai nạn, ốm đau, …
  • Thứ hai, bảo hiểm xã hội sẽ phân phối lại thu nhập.

Chức năng này thể hiện ở việc người lao động san sẻ thu nhập theo thời gian. Cụ thể họ sẽ rút phần thu nhập từng tháng cả mình để dành cho những phần trợ cấp khi gặp rủi ro.

Hay việc người sử dụng lao động cũng sẽ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thành từng khoản tiền nhỏ tránh phải mất một khoản tiền lớn cho người lao động khi họ gặp nhiều rủi ro cùng 1 lúc.

Ngoài ra, người lao động khỏe đóng góp cho người lao động ốm đau, người lao động trẻ đóng góp cho người lao động già.

  • Thứ ba, góp phần tạo sự tương trợ, chia sẻ giữa các nhóm người.

Mỗi người lao động chỉ phải đóng một phần tiền nhỏ theo thu nhập nhưng với số lượng người lao động lớn sẽ tạo thành một quỹ bảo hiểm khổng lồ, giúp đỡ cho những người lao động gặp rủi ro.

Hay việc người sử dụng lao động trích ra từ nguồn thu đóng bảo hiểm xã hội sẽ không phải lo lắng khi người lao động của họ gặp rủi ro.

Như vậy, bảo hiểm xã hội mang tính chất kinh tế – xã hội, giúp cho mối quan hệ lao động ổn định, doanh nghiệp phát triển, kinh tế hưng thịnh.


3. Phân loại bảo hiểm xã hội

Hiện nay có rất nhiều phương thức phân loại bảo hiểm xã hội.

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã phân loại bảo hiểm xã hội theo hình thức của bảo hiểm xã hội bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.

3.1 Bảo hiểm xã hội bắt buộc

3.1.1 Bảo hiểm xã hội bắt buộc là gì?

Bảo hiểm xã hội bắt buộc là một loại hình bảo hiểm xã hội, khái niệm bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014:

Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.

Khi người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, ngoài việc phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc còn phải tham gia đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Do vậy, trong bài viết này chúng tôi cũng sẽ đề cập đến cả bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.

3.1.2 Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

3.1.2.1 Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động

Về mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động như sau:

Bảo hiểm xã hội bắt buộc

Bảo hiểm thất nghiệp

Bảo hiểm y tế

Hưu trí

Ốm đau – Thai sản

Tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp

8%

1%

1.5%

10.5%

3.1.2.2 Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người sử dụng lao động

Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người sử dụng lao động

Bảo hiểm xã hội bắt buộc

Bảo hiểm thất nghiệp

Bảo hiểm y tế

Hưu trí

Ốm đau – Thai sản

Tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp

14%

3%

0.5%

1%

3%

21.5%

Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động, bao gồm: mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Để biết cụ thể bạn có thể xem bài viết chi tiết về mức đóng bảo hiểm xã hội

3.1.3 Các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc

3.1.3.1 Chế độ ốm đau

Khi người lao động bị ốm đau, tai nạn không phải là tai nạn lao động hoặc tự hủy hoại sức khỏe của họ và có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y Tế thì họ sẽ được nghỉ hưởng chế độ ốm đau.

Trường hợp người lao động có con dưới 7 tuổi cũng sẽ được hưởng chế độ nghỉ con ốm nếu như có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và bắt buộc phải nghỉ chăm con.

Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau cùng mức hưởng chế độ ốm đau phụ thuộc vào đối tượng hưởng, làm việc trong môi trường bình thường hay làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên, mắc bệnh nhẹ hay mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y Tế ban hành và thời gian tham gia bảo hiểm xã hội.

Sau khi hưởng chế độ ốm đau, trong vòng 30 ngày kể từ ngày quay lại làm việc mà sức khỏe người lao động chưa được phục hồi thì họ còn được hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau.

3.1.3.2 Chế độ thai sản

Người lao động thuộc đối tượng và thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại Điều 30 và Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 khi đang đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ ốm đau và thai sản sẽ được nghỉ hưởng chế độ thai sản.

Đối với người lao động nữ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản sẽ được nghỉ khám thai; nghỉ hưởng chế độ khi sảy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý; nghỉ hưởng chế độ khi sinh con; nghỉ hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai.

Ngoài ra, lao động nữ khi mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi cũng sẽ được nghỉ hưởng chế độ thai sản khi đủ điều kiện hưởng.

Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.

Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

Lao động nữ sau khi hưởng chế độ thai sản, trong vòng 30 ngày kể từ ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.

3.1.3.3 Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Người lao động khi bị tai nạn lao động thuộc đối tượng quy định tại Điều 42 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và đủ điều kiện được quy định thuộc Điều 43, Điều 44 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 sẽ được hưởng trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hàng tháng tùy thuộc vào mức độ suy giảm khả năng lao động, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội.

Ngoài khoản trợ cấp một lần và trợ cấp hàng tháng, người lao động khi đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động, chế độ bệnh nghề nghiệp còn có thể được cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; hưởng trợ cấp phục vụ hàng tháng; trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao đọng, bệnh nghề nghiệp; dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật.

3.1.3.4 Chế độ hưu trí

Về điều kiện nghỉ hưu phụ thuộc vào tuổi, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu là 20 năm, công việc, mức suy giảm khả năng lao động,… được quy định tại Điều 54 và Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Mức lương hưu hàng tháng của người lao động đóng bảo hiểm xã hội tùy thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội và mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội.

Hiện nay lao động nam cứ đóng đủ 19 năm tham gia bảo hiểm xã hội thì tỉ lệ lương hưu được tính bằng 45% sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%, tối đa không quá 75%.

Từ năm 2022 trở đi, lao động nam cứ đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội thì tỷ lệ lương hưu được tính bằng 45%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 2%, tối đa không quá 75%.

Về thời điểm hưởng lương hưu hoặc là thời điểm ghi trong quyết định nghỉ việc do người sử dụng lao động lập khi người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật; hoặc là tính từ tháng liền kề khi người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu và có văn bản đề nghị gửi cho cơ quan bảo hiểm xã hội; hoặc là thời điểm ghi trong văn bản đề nghị của người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Ngoài ra, nếu như người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội; sau 1 năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng thì họ có thể yêu cầu cơ quan bảo hiểm xã hội cấp quận (huyện) nơi mà họ cư trú để hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Về mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần phụ thuộc vào thời gian đã tham gia bảo hiểm xã hội và mức tiền lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội.

Đối với cách xác định mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần:

  • Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ phụ thuộc vào thời gian bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội.
  • Người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.
Bảo hiểm xã hội bắt buộc
Bảo hiểm xã hội bắt buộc
3.1.3.5 Chế độ tử tuất

Chế độ tử tuất hiện nay sẽ gồm có trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất hàng tháng, trợ cấp tuất một lần.

Người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà đã có thời gian đóng từ đủ 12 tháng trở lên; người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; người đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc sẽ được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người đó chết.

Nhân thân của những đối tượng trên được hưởng trợ cấp mai táng khi người đó bị Tòa án tuyên bố là đã chết.

Trợ cấp tuất là khoản bảo hiểm thu nhập cho người lao động, phần thu nhập dành cho những thân nhân của những người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội không có khả năng lao động như những người đã già (hết tuổi lao động) hoặc trẻ em (chưa đến tuổi lao động).

Trước đây những người này đã sống bằng nguồn thu nhập (hoặc nguồn bảo hiểm thu nhập) của người lao động.

Mức trợ cấp tuất hàng tháng phụ thuộc vào mức lương cơ sở, mức trợ cấp tuất một lần phụ thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội và mức tiền lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội.

3.1.3.6 Bảo hiểm thất nghiệp

Bảo hiểm thất nghiệp thực chất không phải là một những chế độ thuộc bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Tuy nhiên, đây là bảo hiểm mà người lao động bắt buộc phải đóng nếu làm việc theo hợp đồng lao động cùng với các chế độ đã nêu ở trên.

Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải đang tham gia đóng góp vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong khoảng thời gian 24 tháng trước khi bị thất nghiệp. Trong thời gian 3 tháng kể từ ngày thất nghiệp, người lao động phải nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm.

Người được hưởng bảo hiểm thất nghiệp phải chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp.

Về thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp phụ thuộc vào thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.


3.2 Bảo hiểm xã hội tự nguyện

3.2.1 Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?

Theo khoản 3 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

3.2.2 Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Người lao động hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

  • Đóng hằng tháng;
  • Đóng 03 tháng một lần;
  • Đóng 06 tháng một lần;
  • Đóng 12 tháng một lần;
  • Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;
  • Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo một trong các phương thức trên cho đến khi thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu.

3.2.3 Các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện

3.2.3.1 Chế độ hưu trí

Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đủ điều kiện về tuổi và thời gian tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng chế độ hưu trí.

Mức lương hưu hàng tháng phụ thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội và mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.

Thời điểm hưởng lương hưu của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính từ tháng liền kề sau tháng người tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Người lao động thuộc các trường hợp dưới đây sẽ được hưởng bảo hiểm xã hội một lần thay vì lương hưu hàng tháng:

  • Đủ điều kiện về tuổi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 73 của Luật này nhưng chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội mà không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội;
  • Ra nước ngoài để định cư;
  • Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Bảo hiểm xã hội tự nguyện
3.2.3.2 Chế độ tử tuất

Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 60 tháng trở lên và người đang hưởng lương hưu sẽ được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người lao động hoặc người đang hưởng lương hưu chết.

Người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội, người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người đang hưởng lương hưu khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần.

Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội.


4. Sổ bảo hiểm xã hội

Hiện nay mỗi người lao động sau khi ký hợp đồng lao động với bên người sử dụng lao động sẽ có một quyển sổ bảo hiểm xã hội.

Vậy sổ hiểm xã hội để làm gì?

Sổ bảo hiểm xã hội là Sổ dùng để ghi chép quá trình làm việc, đóng và hưởng bảo hiểm xã hội làm căn cứ để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

Sổ bảo hiểm xã hội
Sổ bảo hiểm xã hội

Sổ bảo hiểm xã hội hiện nay bao gồm bìa sổ bao gồm những thông tin cơ bản của người tham gia bảo hiểm xã hội và số sổ bảo hiểm xã hội hoặc mã số sổ bảo hiểm xã hội; tờ rời trong sổ bảo hiểm xã hội có nội dung là quá trình tham gia đóng bảo hiểm xã hội.

Vậy mã sổ bảo hiểm xã hội là gì? Số sổ bảo hiểm xã hội là gì? Mã số sổ bảo hiểm xã hội có phải là số sổ bảo hiểm xã hội hay không?

Vấn đề này được quy định tại công văn 3340/BHXH-ST năm 2017 về cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế theo mã số bảo hiểm xã hội do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành, theo đó:

  • Thay thế cụm từ “Số sổ:” in trên bìa và tờ rời của sổ bảo hiểm xã hội bằng cụm từ “Mã số:”

Ví dụ: bìa và tờ rời sổ bảo hiểm xã hội trước đây in “Số sổ: 0118000001”, nay được in là “Mã số: 0118000001”

  • Sổ bảo hiểm xã hội được cấp mới, cấp lại theo mẫu (mới) từ ngày 01/8/2017.

Như vậy, về bản chất số sổ bảo hiểm xã hội và mã số bảo hiểm xã hội là giống nhau.


5. Quỹ bảo hiểm xã hội

Quỹ bảo hiểm xã hội được hiểu là quỹ tài chính độc lập với ngân sách nhà nước, được hình thành từ đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Các nguồn hình thành quỹ bảo hiểm xã hội bao gồm:

  • Người sử dụng lao động đóng;
  • Người lao động đóng;
  • Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ.
  • Hỗ trợ của Nhà nước.
  • Các nguồn thu hợp pháp khác.
Quỹ bảo hiểm xã hội
Quỹ bảo hiểm xã hội

6. Quyền và trách nhiệm của người lao động đối với chế độ bảo hiểm xã hội

6.1 Quyền lợi của người lao động

Theo Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động có những quyền lợi như sau:

  • Được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
  • Được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội.
  • Nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, theo một trong các hình thức chi trả sau:
  • Trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền;
  • Thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng;
  • Thông qua người sử dụng lao động.
  • Hưởng bảo hiểm y tế trong các trường hợp sau đây:
  • Đang hưởng lương hưu;
  • Trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi;
  • Nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng;
  • Đang hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.
  • Được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động nếu thuộc trường hợp bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp và đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội; được thanh toán phí giám định y khoa nếu đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội.
  • Ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
  • Định kỳ 06 tháng được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về đóng bảo hiểm xã hội; định kỳ hằng năm được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận về việc đóng bảo hiểm xã hội; được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
  • Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

6.2 Nghĩa vụ của người lao động

Về nghĩa vụ liên quan đến bảo hiểm xã hội, theo quy định tại Điều 19 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 sẽ bao gồm:

  • Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
  • Thực hiện quy định về việc lập hồ sơ bảo hiểm xã hội.
  • Bảo quản sổ bảo hiểm xã hội.
Quyền và trách nhiệm của người lao động đối với chế độ bảo hiểm xã hội
Quyền và trách nhiệm của người lao động đối với chế độ bảo hiểm xã hội

7. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với chế độ bảo hiểm xã hội

7.1 Quyền của người sử dụng lao động đối với chế độ bảo hiểm xã hội

Theo Điều 20 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người sử dụng lao động có những quyền lợi bao gồm:

  • Từ chối thực hiện những yêu cầu không đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
  • Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

7.2 Nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với chế độ bảo hiểm xã hội

Về phần trách nhiêm, theo quy định tại Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người sử dụng lao động có những trách nhiệm như sau:

  • Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
  • Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.
  • Giới thiệu người lao động thuộc đối tượng bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp hay thuộc trường hợp xét về hưu trước tuổi đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.
  • Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động.
  • Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
  • Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cơ quan bảo hiểm xã hội.
  • Định kỳ 06 tháng, niêm yết công khai thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.
  • Hằng năm, niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp theo quy định tại khoản 7 Điều 23 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với chế độ bảo hiểm xã hội
Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với chế độ bảo hiểm xã hội

8. Cơ sở pháp lý

  • Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014;
  • Nghị định số 115/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc;
  • Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Trên đây là toàn bộ những điều bạn cần biết về bảo hiểm xã hội tại Việt Nam.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn bảo hiểm xã hội qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng./.

4.9/5 - (22 bình chọn)
Đội ngũ tác giả Công ty Luật Quang Huy
Đội ngũ tác giả Công ty Luật Quang Huy
Với phương châm "Luật sư của mọi nhà", Luật Quang Huy đang nỗ lực không ngừng để tạo nên một hành lang pháp lý vững chắc, an toàn cho Quý khách hàng!
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

HOTLINE TƯ VẤN BHXH

Scroll to Top