Quy định về bằng lái xe B2

Bằng lái xe B2
Nhằm giải đáp mức xử phạt khi vi phạm quy định giao thông cũng như các vấn đề liên quan đến giấy phép lưu hành giao thông, Luật Quang Huy triển khai đường dây nóng tư vấn luật giao thông. Nếu bạn có nhu cầu tư vấn về vấn đề này, hãy liên hệ ngay cho Luật sư chúng tôi qua Tổng đài 19006588.

Trong thời kì nền kinh tế của đất nước đang tăng trưởng mạnh như hiện nay, các loại phương tiện di chuyển ngày càng đa dạng và hiện đại, chúng ta không thể không nhắc đến nhu cầu sử dụng ô tô của người dân ngày càng nhiều. Và bằng lái xe B2 là loại đang được sử dụng rất phổ biến, nhiều người thắc mắc bằng lái xe B2 là gì? Người sử dụng bằng này được lái những loại xe gì? Và mức xử phạt với lỗi không mang, không có bằng lái xe B2 như thế nào?

Trong bài viết dưới đây, Luật Quang Huy xin cung cấp tới bạn những thông tin đến vấn đề bằng lái xe hạng B2 và mức xử phạt với lỗi không mang bằng B2 và lỗi không có bằng B2 theo quy định mới nhất của pháp luật để bạn nắm rõ hơn về vấn đề này:


1. Bằng lái xe B2 là gì?

Bằng lái xe là một loại giấy phép lái xe, chứng chỉ được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho những người tham gia giao thông điều khiển phương tiện giao thông một cách hợp pháp.

Bằng lái xe được chia làm nhiều loại, trong đó phải kể đến những loại hình chính: A, B, C, D, E, F và từng loại chia ra thành A1, A2, A3, A4, B1, B2… Và bằng lái xe B2 là một loại giấy phép lái xe, chứng chỉ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho những người điều khiển ô tô số sàn và số tự động chở đến 9 chỗ ngồi, ô tô tải, máy kéo dưới 3,5 tấn được phép lái xe kinh doanh vận tải.

Bằng lái xe B2


2. Bằng lái xe hạng B2 được điều khiển những loại xe nào?

Bằng lái xe B2 là loại bằng đơn đang thịnh hành hiện nay. Với bất cứ ai muốn lái xe ô tô trên đường đều phải có bằng lái xe để không vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Cũng vì vậy mà số lượng người có nhu cầu học bằng B2 càng tăng nhanh. Để đáp ứng nhu cầu đó, Luật Giao thông đường bộ có quy định về giấy phép lái xe hạng B2 như sau:

Điều 59. Giấy phép lái xe

4. Giấy phép lái xe có thời hạn gồm các hạng sau đây:

c) Hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg

Bên cạnh đó, điểm a khoản 7 Điều 16 Thông tư 12/ 2017/TT-BGTVT quy định thêm về vấn đề này như sau:

Điều 16. Phân hạng giấy phép lái xe

7. Hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:

a) Ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;

b) Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1.

Như vậy, bằng lái xe hạng B2 được phép điều khiển xe ô tô chở người dưới 09 chỗ ngồi kể cả chỗ ngồi của người lái xe, ô tô tải có trọng tải dưới 3,5 tấn, máy kéo có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn. Với bằng B2, nếu điều khiển các loại xe không thuộc các trường hợp được liệt kê trên đây sẽ coi là vi phạm Luật giao thông đường bộ và sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.


3. Thời hạn của bằng lái xe B2

Bằng lái xe B2 là một trong những giấy phép lái xe có thời hạn sử dụng. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 17 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, bằng lái xe B2 có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp. Điều 36 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định thêm trong trường hợp giấy phép lái xe quá hạn từ 03 tháng đến 01 năm sẽ phải dự thi sát hạch lý thuyết để cấp lại bằng lái xe; trường hợp quá từ 01 năm trở lên phải dự thi sát hạch lại cả lí thuyết và thực hành để xin cấp lại bằng lái xe.

Thời hạn có bằng lái xe B2

4. Hình thức xử phạt đối với lỗi không mang bằng lái xe B2

Bằng lái xe là một trong những giấy tờ quan trọng cần phải mang theo khi tham gia lưu thông trên đường, tuy nhiên không phải lúc nào người lái xe cũng chấp hành. Có thể do họ chưa được đào tạo lái xe, cũng có thể họ đã được cấp bằng nhưng do vội hoặc quên nên không mang theo. Cho dù là không có hay quên không mang theo thì đều bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Đối với lỗi không mang bằng lái xe B2, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 100/2019/ NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định như sau:

Điều 21. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới

3. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy phép lái xe, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 8 Điều này;

Do đó, với lỗi không mang bằng lái xe B2 thì người điều khiển phương tiện có thể bị phạt tiền từ 200.000 đến 400.000 đồng, ngoài ra không bị áp dụng thêm hình thức xử phạt bổ sung nào.


5. Hình thức xử phạt đối với lỗi không có bằng lái xe B2

Có bằng lái xe là một trong những điều kiện bắt buộc để người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trong trường hợp không có bằng lái xe b2 hoặc bằng lái xe b2 đã hết hạn sử dụng, bị làm mất thì người điều khiển phương tiện đều bị xử phạt vi phạt hành chính theo Khoản 8 Điều 21 Nghị định 100/2019/ NĐ-CP với lỗi không có bằng lái xe đó là:

Điều 21. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới

8. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:

b) Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa;

Bên cạnh đó, điểm a khoản 9 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định thêm về vấn đề này như sau:

9. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a, điểm c khoản 5; điểm b, điểm d khoản 7; điểm b, điểm d khoản 8 Điều này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa, Giấy phép lái xe không hợp lệ;

Như vậy, đối với lỗi không có bằng lái xe hạng B2 thì người điều khiển phương tiện có thể bị xử phạt từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng, ngoài ra sẽ bị tạm giữ phương tiện 7 ngày. Bằng lái xe là một trong những căn cứ quan trọng để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và xác định điều kiện tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện. Chính vì vậy, người điều khiển phương tiện phương tiện cần chấp hành nghiêm túc việc mang theo bằng lái xe theo quy định của pháp luật.


6. Căn cứ pháp lý

  • Luật Giao thông đường bộ năm 2008
  • Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012
  • Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy đinh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vục giao thông đường bộ và đường sắt
  • Thông tư 12/2017/TT-BGTVT Quy định về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ

Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề bằng lái xe B2 của bạn theo quy định của pháp luật hiện hành. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật giao thông qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.

Trân trọng ./.

Đánh giá
Nguyễn Thị Huyền
Nguyễn Thị Huyền
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Huyền. Hiện đang là Trưởng phòng Quản lý Nhân sự tại Công ty Luật TNHH Quang Huy và Cộng sự. Chuyên về các vấn đề pháp lý liên quan đến pháp luật lao động, pháp luật bảo hiểm,...
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HOTLINE 1900.6588

Scroll to Top