Phân tích mối quan hệ giữa chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực thẩm mỹ thông qua một số nộ luật/luật cụ thể của Việt Nam

Phân tích mối quan hệ giữa chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực thẩm mỹ thông qua một số nộ luật/luật cụ thể của Việt Nam

       Trong đời sống xã hội có rất nhiều loại chuẩn mực xã hội, ngoài chuẩn mực pháp luật còn có rất nhiều các loại chuẩn mực xã hội khác, có mức độ phổ biến, phạm vi tác động, điều chỉnh và cơ chế thực hiện khác nhau. Giữa các chuẩn mực xã hội lại có mối quan hệ mật thiết với nhau. Trong bài tập này em xin chọn đề bài số 4: “Phân tích mối quan hệ giữa chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực thẩm mỹ thông qua một số nộ luật/luật cụ thể của Việt Nam”.


Danh mục tài liệu tham khảo:

  • Giáo trình xã hội học pháp luật

Những khái niệm cơ bản

Khái niệm chuẩn mực xã hội

       Trong cuộc sống, con người luôn thực hiện các hoạt động nhằm thỏa mãn nhu cầu, lợi ích nhất định. Dù được tự do thực hiện hoạt động đó theo ý muốn cá nhân nhưng con người vẫn phải đặt mình trong các nhóm xã hội hoặc xã hội nói chung, tuân theo những quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi của những người xung quanh để định hướng hành động của mình.

       Vô hình chung, chính con người, với ý chí chung của nhóm xã hội. giai cấp, tầng lớp xã hội… đã xác lập một hệ thống các quy tắc, đòi hỏi đối với hành vi của một cá nhân hay một nhóm xã hội. Từ đó, hình thành nên hệ thống các chuẩn mực xã hội.

       Chuẩn mực xã hội là hệ thống các quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi của xã hội đối với mỗi cá nhân hay nhóm xã hội, trong đó xã định ít nhiều sự chính xác về tính chất, mức độ, phạm vi, giới hạn của cái có thể, cái được phép, cái không được phép hay cái bắt buộc phải thực hiện trong hành vi xã hội của mỗi người, nhằm củng cố, đảm bảo ổn định xã hội, giữ gìn trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội.

Khái niệm chuẩn mực pháp luật

       Pháp luật rất quan trọng trong mỗi quốc gia và trong hiến pháp nước ta cũng đã xác định: “nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị lực lượng vũ trang và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành hiến pháp và pháp luật, đấu tranh phong ngừa và chống các tội phạm các hành vi phạm pháp luật. Pháp luật của mỗi nước, một mặt mang bản chất, đặc diểm của nhà nước ấy, mặt khác cũng mang những đặc điểm của hệ thống pháp luật nước đó nói chung. Việc nghiên cứu những đặc điểm chung này là điều kiện cần thiết để thiết lập, xây dựng hệ thống pháp luật có căn cứ khoa học, đồng thời để vận dụng có hiệu quả công cụ pháp luật vào việc quản lí nhà nước, quản lí nền kinh tế cũng như quản lí  mọi hoạt động của xã hội nói chung.

       Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự, là công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội do Nhà nước ban hành, thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền và được thực hiện bằng các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước.

Chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực mỹ thuật

       Một số đặc điểm của chuẩn mực pháp luật

       Thứ nhất, pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự mang tính chất bắt buộc chung

       Trong bất cứ xã hội nào, để xã hội tồn tại và pháp triển thì các quan hệ giữa người với người- các quan hệ xã hội, phải tuân theo các quy tắc chung nhất định. Những quy tắc chung ấy tồn tại trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội: trong xã hội, phân phối, trao đổi, tiêu dùng, trong sinh hoạt chính trị xã hội, nghệ thuật, tôn giáo, gia đình,… người ta gọi đó là các quy tắc xử sự chung.

       Các quy tắc này chỉ cách xử sự mà người ta phải tuân theo những trường hợp nhất định, chính là việc thể chế hóa các quy định mang tính điển hình, hướng dẫn mọi người noi theo. Sở dĩ, cần thiết phải có những khuôn mẫu chung áp dụng trong những hành vi nhất định vì trong những trường hợp,do sự chi phối của nhiều điều kiện khách quan và chủ quan nên có thể nảy sinh những khả năng xử sự khác nhau gây rối gen cho xã hội. Do vậy nhà nước cần đặt những quy tắc có tính chất bắt buộc chung cho toàn xã hội.

       Thứ hai, pháp luật do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận

       Từ  những thực trạng xấu phát sinh trong xã hội, từ những ràng buộc không lành mạnh giữa các quan hệ trong xã hội và nhằm đảm bảo thực thi tính quyền lực, ý chí của giai cấp thống trị mà nhà nước đã soạn thảo, ban hành những diều luật hướng cho các quan hệ hoạt động trong vòng trật tự, phát triển bền vững. Pháp luật được ban hành ra những quy định mà trong đó các cá nhân,t ổ chức có những giới hạn nhất định, những hành vi được phép làm, không được phép làm cũng như các quyền và nghĩa vụ cụ thể.

       Nhà nước cũng thừa nhận có hệ thống từ các phong tục, điều lệ từ những tổ chức xã hội,… mà nó phù hợp với những điều kiện xã hội mới vào hệ thống pháp luật chung, được ban bố dưới các hình thức văn bản pháp luật để toàn xã hội thực hiện và là bắt buộc với  mọi cá nhân tổ chức.

       Thứ ba, pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội

       Bằng những biện pháp thực thi quyền lực của nhà nước đã ban hành thành những hệ thống luật với mục đích là điều chỉnh các hành vi sai lệch, trái với chuẩn mực đạo đức xã hội nhằm tạo lập xã hội pháp triển lành mạnh, các mối quan hệ trong xã hội có điều kiện liên kết pháp triển tạo nên một môi trường xã hội phát triển, hòa bình trong vòng trật tự xã hội có pháp luật. Nếu những hành vi, quan hệ cá nhân tổ chức nào vi phạm thì nhà nước sẽ dùng chính pháp luật là phương thức, là công cụ cưỡng chế những vi phạm đó.

       Thứ tư, pháp luật được nhà nước đảm bảo thực bằng tính cưỡng chế

       Tính cưỡng chế thể hiện ở việc nhà nước có thể dùng nhiều biện pháp để bắt buộc mọi người phải tuân thủ theo những quy định của pháp luật. Đây cũng là tính cơ bản, dựa trên quyền lực nhà nước làm cho pháp luật có sức mạnh và hiệu quả. Nhà tư tưởng Pascal đã nói: “công lí không có quyền lực thì bất lực, quyền lực không có công lí thì tàn bạo”. Nhà nước đảm bảo tính cưỡng chế của pháp luật bằng những biện pháp: thông tin tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng; hoặc các biện pháp cưỡng chế do sức mạnh của nhà nước thi hành cụ thể trong các quy phạm pháp luật đều có loại nhiều chế tài nhất định trong từng trường hợp tương ứng với các hành vi vi phạm pháp luật.

Khái niệm chuẩn mực thẩm mỹ

       Quan hệ thẩm mỹ là một trong rong các mối quan hệ xã hội cơ bản. Trong quan hệ thẩm mỹ, có ba bộ phận quan trọng nhất của đời sống thẩm mỹ con người, bao gồm:

       Đối tượng thẩm mỹ, gồm cái đẹp, xấu; cái bi, hài; cái anh hùng,…Nó chứa đựng các dạng phái sinh và các vùng tiềm ẩn của cái đẹp, cái xấu, cái bi hài; nó giải thích vì sao thiên nhiên lại chứa yếu tố thẩm mỹ, vì sao lại có cái bi,hài trong hiện tượng xã hội.

       Chủ thể thẩm mỹ, phản ánh các hoạt động thẩm mỹ của chủ thể thông qua các giác quan của họ. Các nhu cầu thẩm mỹ, thị hiếu, lý tưởng thẩm mỹ đều là sự phản ánh các kinh nghiệm hoạt động thẩm mỹ của con người. Năng khiếu,tài năng và thiên tài không tách rời chủ thể thẩm mỹ

       Thế giới nghệ thuật là bộ phận thứ ba. Đây là nơi diễn ra sự tương tác giữa đối tượng thẩm mỹ và chủ thể thẩm mỹ, như: văn học, âm nhạc, điêu khắc, điện ảnh,…Trong thế giới này, cái thẩm mỹ chứa đựng các phạm trù : cảm thụ, sáng tạo, đánh giá,…

       Do yêu cầu, đòi hỏi quan hệ thẩm mỹ cần có các quy tắc, yêu cầu, tiêu chuẩn thẩm mỹ để định hướng, điều chỉnh, đánh giá hành vi thẩm mỹ của con người trong đời sống cộng đồng mà các chuẩn mực thẩm mỹ nảy sinh, biến đổi và phát triển.

       Chuẩn mực thẩm mỹ là hệ thống các quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi về mặt thẩm mỹ đối với hành vi xã hội của con người, tuân theo những quan điểm, quan niệm đang được phổ biến, thừa nhận trong xã hội về cái đẹp, cái xấu, cái bi, cái hài, cái anh hùng, cái tuyệt vời, được xác lập trong các quan hệ thẩm mỹ, trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật, trong lối sống và sinh hoạt…của các cá nhân và các nhóm xã hội.

       Các đặc điểm của chuẩn mực thẩm mỹ:

       Chuẩn mực thẩm mỹ là loại chuẩn mực xã hội bất thành văn, nghĩa là các quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi đối với hành vi thẩm mỹ của con người không được ghi chép thành văn bản dưới dạng “cẩm nang” hay “đạo luật” nào đó; mà chúng tồn tại, biến đổi, phát huy tác dụng bằng con đường truyền miệng, giáo dục thông qua xã hội hóa cá nhân và lưu truyền qua các thế hệ.

       Chuẩn mực thẩm mỹ mang tính lợi ích, gồm lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần, nghĩa là các quan điểm, quan niệm thẩm mỹ trước tiên phải xuất phát từ chỗ, nó mang lại hoặc đáp ứng được những nhu cầu, lợi ích nhất định cho cộng đồng xã hội và cho mỗi cá nhân.

       Chuẩn mực thẩm mỹ luôn đòi hỏi phải bảo đảm tính hài hòa, nghĩa là các quy tắc, yêu cầu về thẩm mỹ phải luôn được đặt trong mối tương quan hài hòa với các điều kiện, hoàn cảnh kinh tế – xã hội nhất định, hoặc phải phù hợp trong từng tình huống cụ thể của cuộc sống.

       Chuẩn mực thẩm mỹ luôn mang tính khái quát (tính hình tượng). Các quan điểm, quan niệm thẩm mỹ không đơn thuần xuất phát từ ý kiến chủ quan của mỗi người, mà chúng còn phản ánh ý chí chung của nhiều người, của đa số các thành viên trong xã hội, được họ thừa nhận, tán thành và làm theo.


Phân tích mối quan hệ giữa chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực thẩm mỹ thông qua một số bộ luật/luật cụ thể của Việt Nam

       Chuẩn mực thẩm mỹ và pháp luật có sự tác động qua lại lẫn nhau. Chuẩn mực thẩm mỹ tác động trong hầu hết các lĩnh vực quan hệ xã hội, trong đó có quan hệ pháp luật, điều chỉnh hành vi thẩm mỹ của con người phù hợp với các quan điểm, quan niệm trong xã hội về cái đẹp, cái xấu, cái cao cả… Chuẩn mực thẩm mỹ đòi hỏi các bộ luật, đạo luật được ban hành phải phù hợp với các giá trị, chuẩn mực thẩm mỹ đang phổ biến trong xã hội thì mới dễ dàng được nhân dân tuân thủ và thực hiện. Khi đó, bản thân các bộ luật, đạo luật cũng mang các giá trị thẩm mỹ, là một “tác phẩm nghệ thuật”. Nhiều quy tắc, yêu cầu của chuẩn mực thẩm mỹ, do phù hợp và đáp ứng được nhu cầu, lợi ích của nhà nước về tổ chức, quản lí xã hội, đã được nhà nước thừa nhận và vận dụng trong các đạo luật. Ví dụ Điều 4 trong Quyết định 129/2007/QĐ-TTg Ban hành Quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước quy định:

         “Các hành vi bị cấm

  • Hút thuốc lá trong phòng làm việc;
  • Sử dụng đồ uống có cồn tại công sở, trừ trường hợp được sự đồng ý của lãnh đạo cơ quan vào các dịp liên hoan, lễ tết, tiếp khách ngoại giao;
  • Quảng cáo thương mại tại công sở.”

       Các quy định trên sẽ khiến nơi làm việc sẽ trở nên trang trọng, nghiêm túc, tạo không khí làm việc tốt để đạt hiệu quả cao. Điều này rất phù hợp với phong cách làm việc hiện đại, tích cực trong thời đại hiện nay.

       Các văn bản luật của nhà nước điều chỉnh các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, trật tự công cộng, ứng xử nơi công sở, kiến trúc…là những minh chứng sống động cho mối liên hệ này. Như vậy, chuẩn mực thẩm mỹ là cơ sở lý luận và thực tiễn để nhà nước xây dựng và ban hành các quy phạm pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực xây dựng, quy hoạch đô thị, văn hóa – nghệ thuật, quảng cáo, du lịch, bảo tồn di sản văn hóa, thời trang…

       Nước ta là một đất nước có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều khu di tích lịch sử, do vậy việc bảo vệ cảnh đẹp, những di tích hay truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, nhà làm luật đã quy định pháp luật về những chuẩn mực cho du khách tham quan tại Điều 13 Luật Du lịch 2016:

       “Điều 13. Trách nhiệm của khách du lịch

  • Tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nơi đến du lịch;  ứng xử văn minh, tôn trọng thuần phong mỹ tục, văn hóa bản địa, bảo vệ và giữ gìn tài nguyên du lịch; không gây phương hại đến hình ảnh quốc gia, truyền thống văn hóa dân tộc.
  • Thực hiện nội quy của khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch phù hợp với quy định của pháp luật.
  • Thanh toán tiền dịch vụ theo hợp đồng, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
  • Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự”

       Việc quy định như vậy là bảo vệ những giá trị tốt đẹp văn hóa nước ta, bảo vệ thuần phong mỹ tục của đất nước dân tộc, không làm mai một, hòa tan đi văn hóa trong quá trình hội nhập.

       Hơn nữa trong thời gian vừa qua các trang thông tin phản ánh gay gắt các nữ ca sĩ ăn mặc hở hang, thiếu vải trong khi trình diễn tại những buổi biểu diễn với lượng khách đông đảo, đa dạng về thành phần tham gia. Do vậy, các bộ ban ngành liên quan đã kịp thời xử lý bằng những hình phạt để ngăn chặn hành vi này tiếp tục xảy ra. Đến nay đã có những văn bản pháp luật quy định cụ thể về việc ăn mặc cũng như việc biểu diễn, trình diễn tại khoản 3 điều 7 Nghị định số 15/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của nghị định số 79/2012/NĐ-CP như sau:

       “3. Trách nhiệm của người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thí sinh thi người đẹp, người mẫu:

       a) Chỉ được biểu diễn các bài hát, vở diễn đã được phép phổ biến; trình diễn các bộ sưu tập và thiết kế thời trang theo đúng nội dung giấy phép;

       b) Đối với cá nhân là người Việt Nam dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế phải chấp hành quy định của Ban tổ chức cuộc thi và pháp luật nước sở tại;

       c) Giữ gìn đạo đức, hình ảnh và danh hiệu của người đạt giải phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam và đúng quy định của pháp luật.”

       Đối với pháp luật, vấn đề không dừng lại ở chỗ cứ ban hành thật nhiều văn bản luật có chất lượng cao, điều quan trọng hơn là làm thế nào để các văn bản luật đó đi vào thực tiễn cuộc sống, trở thành pháp luật thường trực trong hành vi của mỗi người. Nhìn trên phương diện này, chuẩn mực thẩm mỹ có tác dụng định hướng, điều chỉnh hành vi pháp luật của các cá nhân, phù hợp với các quy tắc, yêu cầu của chuẩn mực thẩm mỹ. Trong nhiều trường hợp, vì những lí do nhất định, các cá nhân không biết đến các quy định của pháp luật, nhưng do các quy tắc pháp luật phù hợp với các chuẩn mực thẩm mỹ, nên các hành vi pháp luật cũng trùng với hành vi thẩm mỹ; các cá nhân thực hiện hành vi pháp luật dựa trên các quan điểm, quan niệm thẩm mỹ của họ.

       Ví dụ về tình nghĩa vợ chồng quy định tại Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

       “Điều 19. Tình nghĩa vợ chồng

       Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.

       Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.”

       Vợ chồng yêu thương, chung thủy, tôn trọng và quan tâm nhau là những giá trị tốt đẹp được gìn giữ qua ngàn đời nay. Cho nên việc đưa giá trị thẩm mỹ tốt đẹp này vào các văn bản pháp luật, cụ thể là Luật hôn nhân và gia đình sẽ khiến cho quy định này dễ được chấp nhận và đưa vào cuộc sống.

       Chuẩn mực thẩm mỹ, cũng như các chuẩn mực xã hội khác, luôn vận động, biến đổi và thay đổi, có những quy tắc thẩm mỹ mất đi và có những chuẩn mực thẩm mỹ mới ra đời, đáp ứng yêu cầu của quan hệ thẩm mỹ trong xã hội. Pháp luật, do đặc trưng về sức mạnh cưỡng bức của nó, góp phần củng cố, bảo vệ các chuẩn mực thẩm mỹ tiến bộ, phù hợp; đồng thời, loại bỏ những quy tắc thẩm mỹ đã lạc hậu và xây dựng những chuẩn mực thẩm mỹ mới tương ứng với lối sống văn minh, hiện đại.

       Ví dụ đó là việc trong ngày lễ tết, đám hỏi, tân gia người Việt Nam thường có tập tục đốt pháo để vui mừng chào đón những điều mới mẻ, mong ước những điều tốt lành sẽ đến; bắt đầu từ những quan niệm về tâm linh, đời sống; từ mối liên tưởng giữa sức mạnh của thiên nhiên, như tiếng sấm, được phản ánh vào tâm thức của con người. Tuy nhiên đến năm 1994 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị 406-TTg về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Chỉ thị quy định “Kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa)” và ngoài việc phạt hành chính khi vi phạm thì “Các vi phạm về sản xuất, buôn bán, vận chuyển và đốt pháo gây hậu quả nghiêm trọng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo hiện nay vẫn gây nhiều tranh cãi giữa việc gìn giữ truyền thống tốt đẹp với việc bảo đảm môi trường và tránh các hậu quả nguy hiểm không đáng có.

       Từ khi Nhà nước được thành lập, pháp luật được sinh ra thì các chuẩn mực xã hội đã có những tác động lên luật pháp. Mối quan hệ giữa các chuẩn mực xã hội và pháp luật là mối quan hệ tác động qua lại, tương tác với nhau. Trong các loại chuẩn mực xã hội thì chuẩn mực thẩm mỹ vừa là nguồn của pháp luật, vừa giúp pháp luật đi vào thực tiễn cuộc sống thuận lợi hơn. Có rất nhiều điều xung quanh mối quan hệ giữa chuẩn mực thẩm mỹ và pháp luật, tuy nhiên trong giới hạn bài tập, em xin kết thúc vấn đề tại đây.


       Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Phân tích mối quan hệ giữa chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực thẩm mỹ thông qua một số bộ luật/luật cụ thể của Việt Nam. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.

       Trân trọng ./.


 

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top