Bình luận các quy định của pháp luật về giải thể doanh nghiệp

Bình luận các quy định của pháp luật về giải thể doanh nghiệp

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay nước ta ngày càng có nhiều doanh nghiệp được thành lập. Nhưng trên thực tế có rất nhiều thương nhân khi đăng ký kinh doanh vì những lý do khác nhau đã không tiến hành hoạt động kinh doanh hoặc đang kinh doanh nhưng không tiếp tục kinh doanh nữa mà không thông báo tạm ngừng hoạt động hoặc không giải thể doanh nghiệp do thủ tục giải thể phức tạp và mất nhiều thời gian. Việc này để lại những hậu quả rất lớn cho công tác quản lí doanh nghiệp của Nhà nước cũng như chính các thương nhân. Qua bài phân tích sau đây tổng đài tư vấn Luật Quang Huy chúng tôi xin giải quyết về vấn đề: “Bình luận các quy định của pháp luật về giải thể doanh nghiệp”.


Danh mục tài liệu tham khảo

  • Giáo trình Luật Thương mại 1, Trường Đại học Luật Hà Nội, NXB Công an nhân dân, 2014.
  • Luật Doanh nghiệp năm 2014.
  • Luật Doanh nghiệp năm 2005.

Các vấn đề liên quan đến giải thể doanh nghiệp

Khái niệm giải thể doanh nghiệp

Giải thể doanh nghiệp là việc doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh do đã đạt được những mục tiêu mà các thương nhân khi kinh doanh đã đặt ra hoặc bị giải thể theo quy định của pháp luật.

Từ đó thấy được rằng giải thể doanh nghiệp trước hết là quyền của các thành viên trong doanh nghiệp. Mặt khác, doanh nghiệp còn bị giải thể trong trường hợp do pháp luật quy định.

Các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp

Theo Điều 201 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp gồm:

“1. Doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp sau đây:

a) Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;

b) Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;

c) Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;

d) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp”.

Như vậy các quy định trên đã liệt kê các trường hợp doanh nghiệp bị giải thể mà theo đó khi thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì doanh nghiệp có thể tiến hành giải thể. Có hai trường hợp giải thể doanh nghiệp là giải thể tự nguyện (điểm a và điểm b) và hai trường hợp là giải thể bắt buộc theo quy định của pháp luật. So với Luật Doanh nghiệp năm 2005 Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bổ sung thêm cụm từ “mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp” vào Điểm c Khoản 1 Điều 201 quy định về công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục. Điều này là hoàn toàn hợp lí bởi vì số lượng thành viên tối thiểu cho mỗi loại hình công ty là khác nhau và do pháp luật quy định. Ví dụ như công ty cổ phần số lượng cổ đông tối thiểu là 03 còn đối với công ty hợp danh, pháp luật quy định phải có ít nhất hai cá nhân là thành viên hợp danh. Do đó việc bổ sung thêm quy định như vậy là hoàn toàn phù hợp vì nếu số lượng thành viên tối thiểu không đủ theo quy định của pháp luật và trong vòng 06 tháng liên tục mà công ty không tiến hành kết nạp thêm thành viên mới thì công ty bị giải thể nếu không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Vấn đề này đã được quy định cụ thể hơn so với luật Doanh nghiệp năm 2005. Bởi lẽ theo Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định khi không đủ số lượng thành viên tối thiểu thì có thể làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp nếu không muốn bị giải thể.

Qua đó thấy được rằng điều luật này đã khái quát một cách khá cụ thể về các trường hợp và điều kiện để giải thể doanh nghiệp giúp cho doanh nghiệp có thể chủ động nắm bắt khi nào thì được tiến hành giải thể.

Các quy định pháp lý về giải thể doanh nghiệp

Trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp năm 2014 ra đời đã có nhiều quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục rút khỏi thị trường doanh nghiệp, trong đó có các quy định về giải thể doanh nghiệp. Luật doanh nghiệp 2014 quy định chi tiết về trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp tại Điều 202 như sau:

“Việc giải thể doanh nghiệp trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 201 của Luật này được thực hiện theo quy định sau đây:

Thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp. Quyết định giải thể doanh nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;

b) Lý do giải thể;

c) Thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp; thời hạn thanh toán nợ, thanh lý hợp đồng không được vượt quá 06 tháng, kể từ ngày thông qua quyết định giải thể;

d) Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động;

đ) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Chủ doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty, Hội đồng quản trị trực tiếp tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định thành lập tổ chức thanh lý riêng.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua, quyết định giải thể và biên bản họp phải được gửi đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp, đăng quyết định giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì phải gửi kèm theo quyết định giải thể phương án giải quyết nợ đến các chủ nợ, người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan. Thông báo phải có tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán số nợ đó; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ.

Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp ngay sau khi nhận được quyết định giải thể của doanh nghiệp. Kèm theo thông báo phải đăng tải quyết định giải thể và phương án giải quyết nợ (nếu có).

Các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự sau đây:

a) Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;

b) Nợ thuế;

c) Các khoản nợ khác.

Sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thể doanh nghiệp, phần còn lại chia cho chủ doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty theo tỷ lệ sở hữu phần vốn góp, cổ phần.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gửi đề nghị giải thể cho Cơ quan đăng ký kinh doanh trong 05 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp.

Sau thời hạn 180 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải thể theo khoản 3 Điều này mà không nhận được ý kiến vềviệc giải thể từ doanh nghiệp hoặc phản đối của bên có liên quan bằng văn bản hoặc trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giải thể, Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp”.

Qua quá trình áp dụng và sửa đổi bổ sung Luật doanh nghiệp năm 2005, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã quy định chi tiết hơn về trình tự, tủ tục giải thể tại điều 202. Tại khoản 3 điều này quy định ngoài việc gửi quyết định giải thể ra thì biên bản họp được gửi đến Cơ quan đăng kí kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp, đăng quyết định giải thể trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phóng đại diện của doanh nghiệp. Còn Luật doanh nghiệp năm 2005 chỉ quy định phải gửi quyết định giải thể và chủ thể nhận quyết định quy định không chi tiết, cụ thể chỉ bao gồm cơ quan đăng ký kinh doanh, tất cả các chủ nợ, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người lao động trong doanh nghiệp và phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính và chi nhánh doanh nghiệp.

Như vậy, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã quy định cụ thể và chi tiết hơn về vấn đề này. Điều này góp phần hạn chế tình trạng bức xúc của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian vừa qua về vấn đề như doanh nghiệp không giải thể được do thủ tục giải thể doanh nghiệp quá rườm rà nên gặp khó khăn trong việc giải thể.

Bình luận các quy định của pháp luật về giải thể doanh nghiệp

Thực trạng giải thể doanh nghiệp hiện nay

Trong bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới, nền kinh tế nước ta gặp rất nhiều khó khăn điều này tác động lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp. Theo thống kê cho thấy từ năm 2014 đến nay số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng cao. Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2014 cả nước có 67.823 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể và 58.322 doanh nghiệp khó khăn phải ngừng hoạt động, tăng 14,5% so với năm trước. Trong năm 2015, hơn 9.400 doanh nghiệp giải thể và 71.391 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2016 thống kê trong 4 tháng đầu năm cho thấy số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động là 25.135 doanh nghiệp, tăng 31,8% so với cùng kì năm trước. Trong đó bao gồm 9.450 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 15.685 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.

Về mặt số liệu thực trạng trên cho thấy giải thể doanh nghiệp đang nổi lên vấn đề “tồn kho” một lượng rất lớn doanh nghiệp đã không còn hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn không nộp đơn giải thể. Tỷ trọng doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ giải thể doanh nghiệp rất thấp. Do vậy, có một lượng lớn doanh nghiệp không còn hoạt động nhưng không thực hiện quy trình giải thể, phá sản. Đây là một tỷ lệ thấp dẫn tới việc Nhà nước thất thu, người lao động bị xâm hại quyền lợi và làm sai lệch các thông tin thống kê về doanh nghiệp, ảnh hưởng tới sự minh bạch môi trường kinh doanh. Đặc biệt, việc doanh nghiệp đã ngừng hoạt động nhưng vẫn gây hậu quả kéo dài đang thể hiện rõ với những trường hợp chủ doanh nghiệp là người nước ngoài, có thuê đất nhà nước, còn nợ thuế, nợ khách hàng, nợ lương người lao động… nhưng chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn về nước nên không có người chịu trách nhiệm để thực hiện các thủ tục giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật.

Hạn chế về giải thể doanh nghiệp

2.1 Về nghĩa vụ của doanh nghiệp

Về mặt nghĩa vụ của doanh nghiệp trong giải thể ta có thể thấy điểm bất cập từ quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 201 quy định là công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì bị giải thể.

Theo em quy định này là chưa được phù hợp bởi vì việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền muốn xác định được tính liên tục trong hoạt động của doanh nghiệp là rất khó khăn bởi lẽ không có một căn cứ cụ thể nào để xác định được tính liên tục trong hoạt động của doanh nghiệp hiện nay.

Hơn thế nữa ta cũng có thể thấy được điểm bất cập được quy định tại khoản 2 điều 201 của Luật doanh nghiệp 2014. Tại đây quy định “doanh nghiệp chỉ được giải thể khi đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài”. Ở đây luật chỉ yêu cầu về nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp mà không quan tâm đến các nghĩa vụ khác được thực hiện như thế nào chẳng hạn như nghĩa vụ bảo vệ môi trường của những doanh nghiệp đặc thù, doanh nghiệp có các hoạt động có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường như: doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực y tế, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, hay doanh nghiệp xử lí chất thải, doanh nghiệp kinh doanh hóa chất các loại…

2.2 Thời hạn thanh lý hợp đồng

Về thời hạn thanh lý hợp đồng được quy định tại điểm c khoản 1 điều 202 của Luật doanh nghiệp 2014 là không được vượt quá 06 tháng kể từ ngày thông qua quyết định giải thể.

Theo em thì thời hạn này chỉ phù hợp với những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không có những mối quan hệ giao dịch phức tạp, tài sản có tính thanh toán cao chứ không phù hợp với phần lớn các doanh nghiệp khác và các trường hợp khác. Ví dụ như với những doanh nghiệp có quy mô khá lớn và có tài sản như bất động sản thì sẽ cần thời gian dài để thanh lí hợp đồng và trả nợ thì thời hạn này chắc chắn không đủ để giải quyết hết các hợp đồng và thanh toán hết nợ. Nhưng nếu nhìn nhận ở khía cạnh tích cực chúng ta vẫn thấy có khả năng doanh nghiệp muốn thanh toán nợ, nhưng không liên lạc được với chủ nợ vì chủ nợ đã xuất ngoại định cư.

2.3 Thời hạn giải thể doanh nghiệp

Trong khoản 8 Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định là sau thời hạn 180 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải thể theo khoản 3 Điều này mà không nhận được ý kiến về việc giải thể từ doanh nghiệp hoặc phản đối của bên có liên quan bằng văn bản hoặc trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giải thể, Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Bình luận các quy định của pháp luật về giải thể doanh nghiệp

Theo em quy định này là chưa được hợp lý và có thể gây nhiều tác động tiêu cực đến việc giải thể doanh nghiệp. Chính quy định này mà một số doanh nghiệp đã lợi dụng để được giải thể “tự động” mà không mất thời gian, chi phí cho việc làm thủ tục giải thể.

Từ đó thấy rằng các quy định về giải thể doanh nghiệp quy định trong Luật Doanh nghiệp 2014 chưa thật sự rõ ràng, thiếu hiệu quả và còn tương đối phức tạp đã khiến cho các doanh nghiệp cố tình lảng tránh thực hiện việc đăng ký giải thể theo quy định, còn các cơ quan quản lý nhà nước rơi vào tình trạng khó quản lý và giám sát doanh nghiệp cũng như không xử lý được vấn đề.

Nguyên nhân những vướng mắc trong giải thể doanh nghiệp

Qua đó ta thấy được rằng những khó khăn, vướng mắc trong vấn đề giải thể doanh nghiệp xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, vấn đề pháp lý liên quan đến hồ sơ, trình tự, thủ tục giải thể đang được quy định tại Luật doanh nghiệp không phải nguyên nhân cơ bản. Việc doanh nghiệp ngại giải thể không phải mới xuất hiện trong thời gian gần đây mà đã diễn ra ngay từ khi nước ta triển khai thực hiện luật Doanh nghiệp 1999. Điều này xuất phát từ một số nguyên do sau:

Thứ nhất, nhận thức pháp luật của nhiều doanh nghiệp còn thấp, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về giải thể, phá sản theo quy định của các doanh nghiệp hiện nay chưa cao.

Thứ hai, chế tài xử lý đối với các chủ doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật không chịu chấp hành các quy định về giải thể, phá sản chưa đủ răn đe, dẫn tới nhiều chủ doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật không quan tâm tới nghĩa vụ giải thể, phá sản doanh nghiệp.

Thứ ba, hệ thống quy định về phá sản doanh nghiệp có nhiều bất cập. Vì vậy, doanh nghiệp muốn tuân thủ theo đúng quy định cũng rất khó. Trong số 140 ngàn doanh nghiệp không còn hoạt động, một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp là lâm vào tình trạng phá sản (do không thể thanh toán hết các khoản nợ). Vì vậy, không thể thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động theo quy trình đơn giản là giải thể doanh nghiệp. Tuy nhiên, để thực hiện được quy trình theo quy định của Luật Phá sản, mỗi doanh nghiệp phải mất 3 đến 5 năm mới hoàn tất thủ tục. Điều này dẫn tới, tỷ lệ doanh nghiệp đã và đang thực hiện thủ tục phá sản gần như không có ý nghĩa trong thực tế.

Thứ tư, trong nhiều trường hợp, việc hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoàn thành nhanh chóng các thủ tục hành chính liên quan theo quy trình giải thể tại một số cơ quan quản lý nhà nước địa phương chưa được tốt. Đặc biệt là thủ tục hoàn tất nghĩa vụ thuế còn gặp nhiều khó khăn và thời gian kéo dài gây khó khăn cho việc làm thủ tục giải thể của các doanh nghiệp hiện nay.

Một số kiến nghị sửa đổi các cơ chế của giải thể doanh nghiệp

Giải thể doanh nghiệp là một thủ tục mang tính hành chính, hậu quả của nó làm chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp trên thực tế. Giải thể là quyền của doanh nghiệp trên thực tế bên cạnh đó còn có những trường hợp giải thể bắt buộc trường hợp này giải thể lại trở thành một nghĩa vụ. Đó là những trường hợp được quy định tại điều 201 của Luật doanh nghiệp 2014 và trường hợp giải thể doanh nghiệp trong trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án. Có thể thấy rõ sự khác biệt của giải thể tự nguyện và bắt buộc; một trường hợp do doanh nghiệp quyết định còn một trường hợp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

Tuy nhiên, các quy định về giải thể doanh nghiệp chưa rõ ràng, thiếu hiệu quả và còn phức tạp khiến doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ giải thể theo quy định. Các cơ quan nhà nước khó quản lí và giám sát doanh nghiệp cũng như không xử lí được những vấn đề phát sinh. Bên cạnh đó, Luật doanh nghiệp hiện hành chưa có chế tài đủ sức răn đe để chấm dứt tình trạng các chủ doanh nghiệp, người đại diện hợp pháp không thực hiện thủ tục giải thể.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện nay về việc giải thể của doanh nghiệp, có thể nghiên cứu triển khai một số giải pháp như sau:

Một là, tiếp tục nghiên cứu, đơn giản hóa những thủ tục hành chính của doanh nghiệp tại các cơ quan quản lý nhà nước trước khi doanh nghiệp thực hiện nộp bộ hồ sơ giải thể tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Trong đó, tập trung đơn giản hóa quy trình về kê khai và quyết toán thuế cho doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp quyết định giải thể.

Hai là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp cũng như pháp luật, chế tài xử phạt vi phạm về giải thể, phá sản doanh nghiệp nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp.

Ba là, quy định cụ thể và phân định rõ chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và chức năng quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về giải thể doanh nghiệp; các quy định về quản trị doanh nghiệp theo thông lệ kinh tế thị trường.

Bốn là, rà soát và đề xuất các chế tài mạnh, có tính răn đe đối với những doanh nghiệp, cá nhân liên quan (như: người đại diện theo pháp luật, các thành viên của công ty) không tuân thủ nghĩa vụ giải thể doanh nghiệp.

Năm là, hoàn thiện cơ chế, chính sách và nền tảng công nghệ thông tin để Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia giữ vai trò đầu mối cung cấp thông tin pháp lý về đăng ký doanh nghiệp, từ đó, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận dễ dàng các thông tin chính xác về tình trạng pháp lý của doanh nghiệp; phát huy vai trò giám sát của xã hội đối với doanh nghiệp.

Trong vòng đời doanh nghiệp, khi gặp khó khăn, doanh nghiệp có thể ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một thời gian nhất định. Đây là một dạng rút lui tạm thời khỏi thị trường. Tuy nhiên, khi không thể tiếp tục hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường thông qua hình thức giải thể hoặc phá sản doanh nghiệp. Các quy định về giải thể ngày càng được hoàn thiện hơn thông qua những sửa đổi bổ sung Luật doanh nghiệp 2014. Nền tảng pháp lí cho doanh nghiệp ngày càng bền vững hơn, tạo điều kiện để khắc phục những yếu điểm còn tồn đọng trong những quy định của pháp luật.


Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Bình luận các quy định của pháp luật về giải thể doanh nghiệp. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top