Quy định luật thuế GTGT về hai phương pháp tính thuế giá trị gia tăng

Quy định luật thuế GTGT về hai phương pháp tính thuế giá trị gia tăng

Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là loại thuế tiêu dùng nhằm động viên một bộ phận thu nhập của người chịu thuế đã sử dụng để mua hàng hóa, nhận dịch vụ. Thuế GTGT có ý nghĩa quan trọng trong pháp luật thuế nói riêng và pháp luật kinh tế của đất nước nói chung. Qua bài viết này Luật Quang Huy sẽ đi sâu phân tích và tìm hiểu vấn đề này: quy định luật thuế GTGT về hai phương pháp tính thuế giá trị gia tăng.


Danh mục tài liệu tham khảo

  • Giáo trình Luật Thuế Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, NXB Công An Nhân Dân, 2017.
  • Luật Thuế Giá trị gia tăng năm 2008 (Sửa đổi bổ sung năm 2016) – NXB Lao Động.
  • Luận văn áp dụng thuế giá trị gia tăng và giải pháp

Khái quát về thuế giá trị gia tăng

Khái niệm Thuế GTGT

Thuế giá trị gia tăng (còn gọi là VAT – từ viết tắt của Value Added Tax) được khai sinh từ nước Pháp và được áp dụng lần đầu từ ngày 10/4/195. Kể từ đó, thuế giá trị gia tăng được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tính đến nay đã có 130 quốc gia áp dụng thuế giá trị gia tăng.

Ở nước ta, để thay thế cho Luật thuế doanh thu, Luật thuế giá trị gia tăng được thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1999. Trải qua nhiều lần sửa đổi và bổ sung, hiện nay, Luật thuế giá trị gia tăng 2008 (được sửa đổi, bổ sung 6/4/2016) đã quy định khá chi tiết và cụ thể về việc thu thuế này.

Theo quy định tại Điều 2 Luật thuế giá trị gia tăng năm 2008: “Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng”.

Thuế GTGT được nộp vào Ngân sách Nhà nước theo mức độ tiêu thụ và thông qua giá cả của hàng hóa dịch vụ, là loại thuế gián thu. Tính chất gián thu thể hiện ở chỗ người nộp thuế và người chịu thuế không đồng nhất với nhau. Ưu điểm của thuế gián thu là hạn chế được sự phản ứng về thuế từ người gánh chịu thuế, nhưng nhược điểm của nó là không tạo ra sự bình đẳng về điều tiết thu nhập của những đối tượng có thu nhập chênh lệch. Thuế GTGT khác với thuế trên doanh số bán hàng ở chỗ nó được áp dụng trên mọi lĩnh vực kinh doanh như là một phần của đơn giá mỗi mặt hàng bán ra phải chiu thuế mà người ta đã thực hiện, nhưng ngược lại người ta lại được hoàn thuế GTGT đối với các mặt hàng đã mua của mình, vì thế thuế GTGT được áp dụng đối với phần giá trị thêm vào (gia tăng) cho sản phẩm tại mỗi công đoạn sản xuất.

Quy định luật thuế GTGT về hai phương pháp tính thuế giá trị gia tăng

Đặc điểm của Thuế giá trị gia tăng

Thuế GTGT có nhiều điểm tương đồng với các loại thuế đánh vào hàng hóa, dịch vụ khác (như thuế doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu) nhưng có thể nhận diện thông qua các đặc điểm sau:

Thứ nhất, Thuế GTGT có đối tượng chịu thuế rất rộng, đến tất cả đối tượng trong xã hội. Việc đánh thuế đối với mọi đối tượng trên phạm vi lãnh thổ thể hiện rõ nét sự công bằng của thuế đồng thời thể hiện thái độ của Nhà nước đối với các loại tiêu dùng trong xã hội.

Thứ hai, thuế GTGT chỉ tính trên phần giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ. Việc đánh thuế chỉ trên phần giá trị tăng thêm mà không phải đối với toàn bộ giá trị hàng hóa dịch vụ làm cho số thuế GTGT áp dụng trong mỗi khâu của quá trình lưu thông không gây ra những đột biến về giá cả cho người tiêu dùng. Đây là đặc điểm cơ bản để phân biệt thuế GTGT với những loại thuế gián thu khác.

Thứ ba, nếu dựa trên giá mua cuối cùng của hàng hóa dịch vụ, số thuế GTGT phải nộp không thay đổi phụ thuộc vào các giai đoạn lưu thông khác nhau. Điều này thể hiện tính ưu việt của Thuế GTGT so với thuế hàng hoá, dịch vụ thông thường (thuế doanh thu) mà Việt Nam áp dụng trước đây.

Quy định của pháp luật về hai phương pháp tính thuế giá trị gia tăng và liên hệ thực tiễn

Điều 9, Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 (sửa đổi bổ sung năm 2016) đã quy định về các phương pháp tính thuế GTGT như sau: “Phương pháp tính thuế giá trị gia tăng gồm phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng và phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng”.

Phương pháp khấu trừ thuế

Cơ sở pháp lý

“Điều 10. Phương pháp khấu trừ thuế

Phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng được quy định như sau:

a) Số thuế giá trị gia tăng phải nộp theo phương pháp khấu trừ thuế bằng số thuế giá trị gia tăng đầu ra trừ số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ;

b) Số thuế giá trị gia tăng đầu ra bằng tổng số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng

Thuế giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ bán ra ghi trên hoá đơn giá trị gia tăng bằng giá tính thuế của hàng hoá, dịch vụ chịu thuế bán ra nhân với thuế suất thuế giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ đó.

Trường hợp sử dụng chứng từ ghi giá thanh toán là giá đã có thuế giá trị gia tăng thì thuế giá trị gia tăng đầu ra được xác định bằng giá thanh toán trừ giá tính thuế giá trị gia tăng xác định theo quy định tại điểm k khoản 1 điều 7 của Luật này;

c) Số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ bằng tổng số thuế giá trị gia tăng ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng mua hàng hóa, dịch vụ, chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu và đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 12 của Luật này.

Phương pháp khấu trừ thuế áp dụng đối với cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ bao gồm:

a) Cơ sở kinh doanh có doanh thu hàng năm từ bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ từ một tỷ đồng trở lên, trừ hộ, cá nhân kinh doanh;

b)Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, trừ hộ, cá nhân kinh doanh.

Phân tích

Theo khoản 1, điều 10 Luật này, nội dung cơ bản của phương pháp khấu trừ thuế là số thuế GTGT phải nộp được tính trên cơ sở số thuế GTGT đầu ra trừ đi số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.

Công thức tính:

Điểm cần đặc biệt lưu ý, đối với phương pháp khấu trừ thuế, số thuế được xác định một cách trực tiếp là hiệu số thuế của các khâu trong quá trình sản xuất lưu thông mà không phải phần giá trị gia tăng được xác định trực tiếp qua các khâu.

Trong đó:

-Thuế GTGT đầu ra là số thuế xuất hiện ở khâu bán ra, chủ thể nộp thuế đã xác định và tính trong giá bán cho người nhận hàng hoá dịch vụ. Luật thuế GTGT 2008 (sửa đổi bổ sung 2016) quy định:

Giá tính thuế là giá bán chưa có thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật.

Thuế suất được quy định rõ cho từng ngành nghề kinh doanh, từng chủng loại hàng hóa dịch vụ

Thuế giá trị gia tăng ở khâu bán ra được xác định trên chứng từ hóa đơn hợp lệ của chủ thể nộp thuế. Pháp luật cũng quy định chặt chẽ trường hợp chứng từ không phản ánh số thuế giá trị gia tăng hoặc chỉ ghi nhận giá thanh toán của hàng hóa dịch vụ.

Nếu chứng từ ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT:

Những hóa đơn đặc thù như tem, vé cước vận tải, vé sổ xố kiến thiết, trên hóa đơn có thể hiện giá đã bao gồm thuế GTGT thì kế toán phải tách thuế theo công thức: Số thuế GTGT đầu ra = Giá thanh toán – Giá chưa thuế

Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ là số thuế xuất hiện ở khâu mua vào, được tính trong tổng giá mà chủ thể nộp thuế đã trả để nhận được hàng hoá dịch vụ.

Thuế GTGT đầu vào = Tổng số thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ,

chứng từ nộp thuế GTGT của hàng hóa nhập khẩu.

Điều kiện khấu trừ thuế được quy định tại Điều 12 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008( sửa đổi, bổ sung 2016).

Thứ nhất, đối với tài sản cố định đầu tư để sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng, phần thuế tương ứng giá trị tài sản đầu tư được xác định là thuế đầu vào để tính số thuế phải nộp.

Thứ hai, không phải phần thuế giá trị gia tăng của mọi giá trị hàng hóa dịch vụ ở khâu mua vào đều được coi là phần thuế đầu vào. Số thuế đầu vào được xác định tương ứng với phần hàng hóa dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng.

Thứ ba, số thuế đầu vào phát sinh trong tháng nào, kê khai trong tháng đó. Quy định này một mặt hỗ trợ cơ quan quản lý, một mặt là cơ sở xác định điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng.

Thứ tư, thuế đầu vào của hàng hóa dịch vụ xuất khẩu phải đủ điều kiện luật định.

Khoản 2 Điều này đã quy định về những điều kiện đối với chủ thể nộp thuế theo phương pháp khấu trừ:

  • Chủ thể nộp thuế có hoạt động kinh doanh ổn định, chấp hành chế độ hạch toán kế toán, chế độ sử dụng chứng từ hóa đơn theo quy định hiện hành dành cho các chủ thế kinh doanh.
  •  Đăng kí thuế, đã được cơ quan thuế cấp mã số thuế theo đúng trình tự luật định.
  • Đăng kí với cơ quan thuế và được cơ quan thuế và được cơ quan thuế chấp nhận nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.

Liên hệ thực tiễn

Ví dụ: Công ty Bánh kẹo Hải Hà sản xuất kẹo trong tháng 01/2015 bán ra 300 tấn kẹo, giá bán mỗi tấn là 700.000 đồng/tấn ( giá chưa có thuế) thuế GTGT phải nộp là 10% (giá mua của người thanh toán là 880.000 đồng/tấn) cũng trong tháng công ty đã mua một số nguyên liệu để dùng cho sản xuất, kinh doanh Bánh kẹo.

Căn cứ các chứng từ, hóa đơn GTGT mua nguyên liệu số thu thuế GTGT đầu vào được xác định như sau:

Giả định các loại nguyên liệu mua vào chỉ để sản xuất bánh kẹo, thì thuế GTGT mà công ty phải nộp trong tháng là :

Số thuế GTGT đầu ra, tính trên số bánh kẹo mà công ty bán ra:

700.000đ x 300 tấn x 10% = 21.000.000 đồng

Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ là: 9.350.000 đồng.

Số thuế GTGT công ty phải nộp trong tháng là:

21.000.000 – 9.350.000 = 11.650.000 đồng

Trường hợp cơ sở kinh doanh không có hóa đơn chứng từ hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng không phải hóa đơn, chứng từ GTGT hoặc hóa đơn GTGT nhưng không ghi số thuế GTGT riêng ngoài giá bán thì không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, trừ các trường hợp được quy định sau đây: Trường hợp hàng hóa dịch vụ mua vào là loại được dùng chứng từ ghi giá thanh toán là giá đã có sẵn thuế GTGT thì cơ sở được căn cứ vào giá đã có thuế và để xác định giá không có thuế và thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.

Như vậy, có thể nói trên thực tế, phương pháp khấu trừ thuế thường được áp dụng cho các đơn vị, tổ chức kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các công ty cổ phần, hợp tác xã và các đơn vị tổ chức kinh doanh khác theo Luật quy định có doanh thu hằng năm từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc có doanh thu hằng năm dưới một tỷ đồng đã thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, sổ sách, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ. Ví dụ: Công ty bánh kẹo Hải Hà, Công ty CP Văn phòng phẩm Hồng Hà, Công ty CP cồn rượu Hà Nội (Halico), Công ty CP rượu bia nước giải khát Hà Nội (Habeco),….

Phương pháp tính trực tiếp trên phần giá trị tăng thêm

Cơ sở pháp lý:

“Điều 11: Phương pháp tính trực tiếp trên phần giá trị gia tăng

Số thuế giá trị gia tăng phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng bằng giá trị gia tăng nhân với thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với hoạt động mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý.

Giá trị gia tăng của vàng, bạc, đá quý được xác định bằng giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra trừ giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào tương ứng.

Số thuế giá trị gia tăng phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng bằng tỷ lệ % nhân với doanh thu áp dụng như sau:

 Đối tượng áp dụng:

  •  Doanh nghiệp, hợp tác xã có doanh thu hàng năm dưới mức ngưỡng doanh thu một tỷ đồng, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này;
  • Hộ, cá nhân kinh doanh;
  • Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có doanh thu phát sinh tại Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, trừ tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu, khí nộp thuế theo phương pháp khấu trừ do bên Việt Nam khấu trừ nộp thay;
  • Tổ chức kinh tế khác, trừ trường hợp đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này;

Tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng được quy định như sau:

  • Phân phối, cung cấp hàng hóa: 1%;
  •  Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%;
  •  Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%;
  •  Hoạt động kinh doanh khác: 2%.”

Phân tích:

Theo khoản 1 điều 11 Luật này, đối tượng của phương pháp tính trực tiếp trên phần giá trị tăng thêm là hoạt động mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý. Theo đó, nếu phương pháp khấu trừ thuế xác định trực tiếp theo hiệu số thuế thì phương pháp tính trực tiếp xác định theo hiệu số kết quả kinh doanh của chủ thể kinh doanh vàng bạc đá quý.

Công thức tính:

Thuế GTGT phải nộp = GTGT x Thuế suất thuế GTGT

Theo đó:

 

GTGT của vàng, bạc, đá quý

 

=

 

Giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra

 

 

 

Giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào tương ứng

Chủ thể nộp thuế theo phương pháp trừ trực tiếp trong trường hợp này được pháp luật chỉ rõ là cơ sở chế tác, kinh doanh vàng bạc, đá quý mà không quy định chung chung.

Căn cứ tính phần “giá trị tăng thêm” là giá thanh toán, tức là giá đã có thuế GTGT được xác định trong chứng từ, hoá đơn

Thuế suất được áp dụng cho cả hàng hoá dịch vụ mua vào và hàng hoá dịch vụ bán ra. Đối với hàng hoá, dịch vụ ở khâu mua vào, nếu không chứng minh được đã bán ra, đã cung ứng, không được xác định là phần giá trị được phép trừ đi khi tính phần “giá trị gia tăng”.

* Theo khoản 2 Điều 11 luật này, ngoài trường hợp chủ thể kinh doanh vàng bạc, đá quý, phương pháp tính trực tiếp còn áp dụng đối với các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình kinh doanh; doanh nghiệp, hợp tác xã có mức doanh thu dưới 1 tỉ đồng; cá nhân, tổ chức nước ngoài kinh doanh nhưng không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.

Công thức tính:

Thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ %

Trong đó:

* Tỷ lệ % để tính được quy định theo điểm b) khoản 2 Điều 11.

* Doanh thu để tính thuế giá trị gia tăng theo tỷ lệ %:

Là tổng số tiền bán hàng hóa, dịch vụ thực tế ghi trên hóa đơn bán hàng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT bao gồm các khoản phụ thu, phí thu thêmmà cơ sở kinh doanh được hưởng.
Nếu DN có doanh thu bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và doanh thu hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu thì không áp dụng tỷ lệ (%) trên doanh thu đối với doanh thu này.

Cả 2 trường hợp theo khoản 1 và khoản 2 của Điều 11 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (sửa đổi, bổ sung 2013) thì đều có tỉ lệ GTGT do cơ quan thuế ấn định. Xét về mặt bản chất, cách tính thuế GTGT theo nội dung trên thực chất là một hình thức áp thuế, khoán thuế.

Liên hệ thực tế:

Ví dụ: Công ty TNHH Thiên Ưng là doanh nghiệp kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp. Công ty TNHH Thiên Ưng có doanh thu phát sinh từ hoạt động bán phần mềm máy tính và dịch vụ tư vấn thành lập doanh nghiệp thì thu từ hoạt động bán phần mềm máy tính (do phần mềm máy tính thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT) và phải kê khai, nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 5% trên doanh thu từ dịch vụ tư vấn thành lập doanh nghiệp.

Cơ sở kinh doanh nhiều ngành nghề có mức tỷ lệ khác nhau phải khai thuế GTGT theo từng nhóm ngành nghề tương ứng với các mức tỷ lệ theo quy định; trường hợp người nộp thuế không xác định được doanh thu theo từng nhóm ngành nghề hoặc trong một hợp đồng kinh doanh trọn gói bao gồm các hoạt động tại nhiều nhóm tỷ lệ khác nhau mà không tách được thì sẽ áp dụng mức tỷ lệ cao nhất của nhóm ngành nghề mà cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Ví dụ: Công ty cổ phần Vàng bạc Phú Nhuận, ngày 01/09/2015, công ty mua 1 lượng vàng giá 48.000.000 đồng, ngày 02/09/2015 công ty bán ra với giá 49.000.000 đồng. Như vậy thuế GTGT phải nộp là 49.000.000 – 48.000.000 = 1.000.000 đồng.

So sánh phương pháp tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế và phương pháp tính trực tiếp trên phần giá trị tăng thêm

Giống nhau

Phương pháp khấu trừ thuế và phương pháp tính trực tiếp trên phần giá trị tăng thêm đều là các phương pháp tính thuế giá trị gia tăng, được thu qua mỗi khâu của quá trình sản xuất kinh doanh.

Hai phương pháp đều giống nhau về các loại giấy tờ, biểu mẫu, chứng từ, sổ sách và báo cáo tài chính.

Khác nhau

 

 

Phương pháp khấu trừ thuế

Phương pháp tính trực tiếp trên phần giá trị tăng thêm
Đối tượng áp dụng

– Chủ thể nộp thuế có hoạt động kinh doanh ổn định, chấp hành chế độ hạch toán kế toán, chế độ sử dụng chứng từ hóa đơn theo quy định hiện hành dành cho các chủ thế kinh doanh.

– Đăng kí thuế, đã được cơ quan thuế cấp mã số thuế theo đúng trình tự luật định.

– Đăng kí với cơ quan thuế và được cơ quan thuế và được cơ quan thuế chấp nhận nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.

 

– Cá nhân, hộ kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

– Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh không theo Luật Đầu tư và các tổ chức khác không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

– Hoạt động kinh doanh mua bán, vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ.

Trường hợp cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế có hoạt động kinh doanh mua, bán vàng, bạc, đá quý và hoạt động chế tác sản phẩm vàng, bạc, đá quý thì phải hạch toán riêng được hoạt động kinh doanh mua, bán vàng, bạc, đá quý để áp dụng theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT.

 

Loại hoá đơn sử dụng Hoá đơn GTGT Hoá đơn bán hàng
Công thức tính thuế

Số thuế GTGT phải nộp

= Số thuế GTGT đầu ra – Số thuế GTGT đầu vàođược khấu trừ

Số thuế GTGT phải nộp

= Doanh thu tính thuế GTGT

x Tỷ lệ %

Tỷ lệ % thuế suất phải chịu

– Không chịu thuế

– Chịu thuế 0%

– Chịu thuế 5%

– Chịu thuế 10%

– Phân phối, cung cấp hàng hóa: 1%;

– Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%;

– Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%;

– Hoạt động kinh doanh khác

Trong bảng so sánh trên, sự khác biệt lớn nhất giữa các DN khấu trừ thuế và các DN tính thuế trực tiếp chính là việc một bên sử dụng hóa đơn GTGT và một bên phải sử dụng hóa đơn bán hàng để cung cấp cho khách hàng. Đa phần các DN đang áp dụng phương pháp khấu trừ, nên thích mua hàng có hóa đơn GTGT để đem về khấu trừ thuế đầu vào. Các DN mới thành lập, nếu áp dụng phương pháp tính trực tiếp và xuất hóa đơn bán hàng thì có lẽ chỉ có thể tìm kiếm đối tác là cá nhân, hộ kinh doanh hoặc những DN cũng đang áp dụng phương pháp tính trực tiếp như mình. Do đó mà khía cạnh thuận lợi của việc tính thuế theo phương pháp trực tiếp và sử dụng hóa đơn bán hàng để cung cấp cho khách hàng ngay tại thời điểm này đã không đạt hiệu quả như mong đợi lạc quan của nhà quản lý và làm luật.

Đánh giá ưu điểm và nhược điểm của từng phương pháp dưới góc độ cơ quan quản lý thuế

Phương pháp khấu trừ thuế:

Ưu điểm

Được khấu trừ thuế GTGT đầu vào;

Có thể cân đối số thuế GTGT phải đóng bằng cách mua hàng để dự trữ và để xuất dùng…

Đối với doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu, có dự án đầu tư thì chỉ sử dụng phương án này thì mới được hoàn thuế.

Xác định đúng số thuế phải nộp ở từng khâu, từng chủ thể nộp thuế, chống thất thu thuế.

Đảm bảo thu đủ số thuế cần thiết điều tiết thu nhập của người tiêu dùng.

Đơn giản hóa quá trình quản lý và thu thuế, do số thuế phát sinh ở các khâu được phản ánh rõ trên chứng từ hóa đơn. Tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan thuế.

Nhược điểm

Nhiều quy định liên quan đến hóa đơn, cách tính thuế GTGT, đối tượng chịu thuế, không chịu thuế, áp dụng thuế suất cho các loại mặt hàng khác nhau,…mang đến cho phương pháp này nhiều sự phức tạp cũng như quá trình nghiên cứu trước khi sử dụng tại doanh nghiệp.

Doanh thu càng cao, thuế nộp càng nhiều, nhất là các sản phẩm có giá thành cao.

Để thực hiện đúng chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ không phải dễ. Có quá nhiều quy định yêu cầu chuyên môn kế toán cao, áp dụng cho các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ chế độ kế toán hóa đơn chứng từ.

Phương pháp tính trực tiếp trên phần giá trị tăng thêm

Ưu điểm

Thuận lợi cho việc tính thuế GTGT áp dụng với các hoạt động mua bán, chế tác vàng bạc đá quý.

Chủ thể nộp thuế được quy định cụ thể là cơ sở chế tác, kinh doanh vàng bạc đá quý. Thuận lợi cho cơ quan thu thuế.

DN không cần phải thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, sổ sách, hóa đơn, chứng từ, không cần các hóa đơn GTGT ở đầu vào vì không được khấu trừ thuế.

Thuế GTGT được thu trực tiếp trên doanh thu, (tỷ lệ này chỉ từ 1% – 5%, tùy ngành).

Nhược điểm

Tỉ lệ chủ thể nộp thuế theo phương pháp này chiếm tỉ lệ nhỏ so với phương pháp khấu trừ nhưng chi phí quản lý lại cao hơn.

Không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào ảnh hưởng đến chi phí và giá thành sản phẩm, dịch vụ.

Thực tế quản lý cho thấy, các chủ thể nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ chiếm tỉ lệ không lớn so với tổng các chủ thể nộp thuế GTGT nhưng số thuế được thu, nộp lại chiếm đa số. Ngược lại, chủ thể nộp thuế theo phương pháp trừ trực tiếp chiếm tỉ lệ lớn, nhưng tổng thu thuế GTGT của các đối tượng này không cao, chi phí quản lí thuế lớn.

Để đảm bảo sự bình đẳng cho các chủ thể và tránh các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ thể sản xuất kinh doanh, cần xác định rằng phương pháp tính thuế trực tiếp chỉ là tạm thời. Cần đưa ra một lộ trình nhất định để các đối tượng nộp thuế theo phương pháp trực tiếp chuẩn bị chuyển sang phương pháp khấu trừ.


Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: quy định luật thuế GTGT về hai phương pháp tính thuế giá trị gia tăng . Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top