Quy định của luật giao thông đi ngược chiều phạt bao nhiêu?

Lỗi vi phạm xe máy đi ngược chiều
Nhằm giải đáp mức xử phạt khi vi phạm quy định giao thông cũng như các vấn đề liên quan đến giấy phép lưu hành giao thông, Luật Quang Huy triển khai đường dây nóng tư vấn luật giao thông. Nếu bạn có nhu cầu tư vấn về vấn đề này, hãy liên hệ ngay cho Luật sư chúng tôi qua Tổng đài 19006588.

Lỗi vi phạm xe máy đi ngược chiều hiện nay diễn ra ngày càng phổ biến và ảnh hưởng lớn đến trật tự giao thông. Vậy lỗi vi phạm xe máy đi ngược chiều là gì? Mức xử phạt được quy định như thế nào? Trong bài viết này, Luật Quang Huy sẽ hướng dẫn bạn đọc các vấn đề trên theo quy định hiện hành.


1. Thế nào là lỗi vi phạm xe máy đi ngược chiều

Đi ngược chiều là hành vi đi ngược lại với hướng chuyển động cho phép của đường một chiều hoặc đi ngược chiều trên đường có biển báo cấm đi ngược chiều.

Hành vi đi ngược chiều là hành vi không chỉ gây nguy hiểm, cản trở các phương tiện giao thông trên đường mà còn là hành vi thiếu văn hóa giao thông.

Trên thực tế, việc phải đi thêm một đoạn đường xa để vòng lại trường học hoặc cơ quan, họ lựa chọn đi ngược chiều để đi cho nhanh bất chấp đường đông đúc. Hành vi đi ngược chiều xảy ra ở mọi ngõ ngách, đường phố và cả trên đường cao tốc, cũng có không ít các vụ tai nạn giao thông xảy ra là do có phương tiện đi ngược chiều.

Pháp luật quy định quy tắc chung đối với các phương tiện khi tham gia giao thông như sau:

  • Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.
  • Xe ô tô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn.

Theo đó các phương tiện khi tham gia giao thông cần phải tuân thủ làn đường, tốc độ, phần đường và các hệ thống biển báo đường bộ và đặc biệt là phải tuân thủ theo nguyên tắc chiều đi của mình.

Hiện nay, lỗi đi ngược chiều được xác định khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Đi ngược chiều của đường một chiều.
  • Đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”.

2. Cách nhận dạng và ý nghĩa của biển báo cấm đi ngược chiều

2.1. Nhận dạng Biển báo cấm đi ngược chiều

Mang những nét đặc trưng của nhóm biển báo cấm, biển báo cấm đi một chiều cũng có dạng hình tròn với hai màu sắc đỏ và trắng.

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT được ban hành kèm theo Thông tư số 54/2019/TT-BGTVT, biển báo cấm đi ngược chiều được ký hiệu là P.102. Biển báo này có hình tròn, nền đỏ và một gạch ngang to màu trắng ở giữa.

Hiện này, biển báo Cấm đi ngược chiều được làm bằng tôn mạ kẽm, có màng phản quang nên nếu di chuyển trong điều kiện trời tối hoặc thời tiết xấu, người tham gia giao thông vẫn có thể nhận diện được. Biển báo cấm đi ngược chiều được đặt ở đầu các tuyến đường một chiều nên còn có thể hiểu là biển báo đường một chiều.

2.2. Ý nghĩa của Biển báo cấm đi ngược chiều

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ, biển báo cấm đi ngược chiều để báo đường cấm các loại xe (cơ giới và thô sơ) đi vào theo chiều đặt biển, trừ các xe ưu tiên được liệt kê tại Khoản 2 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ: Xe chữa cháy; xe quân sự, xe công an đi, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; xe cứu thương; xe hộ đê… đi làm nhiệm vụ.

Riêng người đi bộ được phép đi trên vỉa hè hoặc lề đường. Như vậy, tất cả các phương tiện đều không được phép đi vào đoạn đường có đặt biển báo này ở đầu, trừ các xe ưu tiên kể trên.

Quy chuẩn 41/2019/BGTVT quy định chiều đi ngược lại với chiều đặt biển P.102 là lối đi thuận chiều. Do đó, hướng di chuyển cùng với chiều đặt biển báo là hướng bị cấm, các phương tiện chỉ được di chuyển ngược chiều đặt biển báo.

Đồng nghĩa với đó, những phương tiện đang di chuyển đúng hướng sẽ không được phép quay đầu xe theo hướng ngược lại.

Lỗi vi phạm xe máy đi ngược chiều
Lỗi vi phạm xe máy đi ngược chiều

3. Mức phạt đối với lỗi vi phạm xe máy đi ngược chiều

Lỗi vi phạm xe máy đi ngược chiều bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định 100/2019/NĐ-CP), mức xử phạt được áp dụng cụ thể đối với từng loại phương tiện, từng nhóm phương tiện: ô tô, xe máy, máy kéo, xe máy chuyên dùng, xe đạp.

3.1. Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô

Lỗi điều khiển ô tô đi ngược chiều có thể phải chịu mức phạt như sau:

  • Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 8 Điều này và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định (điểm c khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm đ khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP). Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng. (điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
  • Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” gây tai nạn giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 8 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP; (điểm a khoản 7 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm d khoản 3 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP). Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng. (điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
  • Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định. (điểm a khoản 8 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 05 tháng đến 07 tháng. (điểm đ khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

3.2. Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy

Về cơ bản việc xử phạt đối với hành vi xe máy, xe máy điện vi phạm quy định của biển cấm đi ngược chiều bao gồm các hình thức sau: Phạt hành chính, thu giữ bằng lái và tạm giữ xe. Quy định cụ thể cho mỗi hình thức phạt như sau:

Khoản 5, Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt vi phạm hành chính đối với lỗi xe máy đi ngược chiều là phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Mức phạt này áp dụng đối với hành vi đi ngược chiều trên đường có biển “cấm đi ngược chiều” hoặc đi ngược chiều của đường một chiều. Mức phạt này không áp dụng với những xe ưu tiên khi đang làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.

Bên cạnh việc bị phạt tiền, cũng như các lỗi vi phạm giao thông thường gặp khác lỗi đi ngược chiều, người điều khiển xe máy trong trường hợp này còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe theo hai mức như sau:

  • Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng nếu vi phạm lỗi đi ngược chiều;
  • Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ  02 đến 04 tháng nếu việc đi ngược chiều gây nên tai nạn;

Việc tước giấy phép lái xe sẽ được áp dụng không kể vi phạm lần đầu hay tái phạm.

Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc khi cần xác minh tình tiết làm căn cứ để đưa ra quyết định xử phạt, đồng thời tại thời điểm kiểm tra bạn không xuất trình được các giấy tờ cần thiết như bằng lái, đăng ký xe, bảo hiểm xe…. thì Cảnh sát giao thông sẽ yêu cầu tạm giữ xe để xử lý.

Thời hạn tạm giữ xe với lỗi đi xe máy ngược chiều là 07 ngày, đôi khi cũng có thể kéo dài hơn, nhưng tối đa không được quá 30 ngày.

3.3. Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng

Người điều khiển xe máy kéo, xe máy chuyên dùng mắc lỗi vi phạm xe máy đi ngược chiều bị phạt như sau:

  • Phạt tiền từ 800.000 – 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ hành vi đi ngược chiều trên đường cao tốc và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định (điểm c khoản 4 Điều 7). Đồng thời, người vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 – 03 tháng.
  • Phạt tiền từ 6.000.000 – 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” gây tai nạn giao thông, trừ các hành vi vi đi ngược chiều trên đường cao tốc (điểm a khoản 7 Điều 7). Đồng thời, người vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 02 – 04 tháng.
  • Phạt tiền từ 10.000.000 – 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc (điểm a khoản 8 Điều 7). Đồng thời, người vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 05 – 07 tháng và tạm giữ phương tiện đến 07 ngày.

3.4. Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác

Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác mắc lỗi vi phạm xe máy đi ngược chiều bị phạt tiền từ 200.000 – 300.000 đồng. Trường hợp này, người điều khiển xe đi ngược chiều đường của đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều” (điểm c khoản 3 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).


4. Các trường hợp mắc lỗi vi phạm xe máy đi ngược chiều nhưng không bị xử phạt

Trong một số trường hợp, lỗi vi phạm xe máy đi ngược chiều sẽ không bị xử phạt, bao gồm:

  • Xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp. Chẳng hạn, xe chữa cháy có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ hoặc xanh gắn trên nóc xe, có còi phát tín hiệu ưu tiên; Xe ôtô quân sự đi làm nhiệm vụ khẩn cấp có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn trên nóc xe, cờ hiệu quân sự cắm ở đầu xe phía bên trái người lái; có còi phát tín hiệu ưu tiên.
  • Điều khiển xe đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

5. Những nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn giao thông khi đi ngược chiều

Lỗi vi phạm xe máy đi ngược chiều đã bị tăng mức phạt lên gấp nhiều lần so với trước đây cho thấy các nhà làm luật đã đánh giá rất cao sự nguy hiểm của hành vi này.

Để rút ngắn một đoạn đường đi mà những người đi ngược chiều trên đường đã cố tình đặt mình và các phương tiện giao thông khác vào tình thế nguy hiểm, đặc biệt trên các tuyến đường được lưu thông với tốc độ cao.

Khi có phương tiện khác bất ngờ xuất hiện trên đường một chiều, lái xe rất khó xử lý và phản ứng với tình huống bất ngờ xảy ra, dễ dàng dẫn đến tai nạn giao thông.

Hiện nay, biển cấm đi ngược chiều là biển báo giao thông báo hiệu đường cấm tất cả các loại xe đi vào theo chiều đặt biển, trừ các xe được ưu tiên đi làm nhiệm vụ khẩn cấp.


6. Cơ sở pháp lý

  • Luật giao thông đường bộ năm 2008;
  • Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;
  • Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về vấn đề lỗi vi phạm xe máy đi ngược chiều theo quy định pháp luật hiện hành. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ qua Tổng đài tư vấn luật giao thông trực tuyến của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)
Luật sư Nguyễn Văn Tình
Luật sư Nguyễn Văn Tình
Có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ và tranh tụng trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, hình sự, đất đai, hành chính,...
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HOTLINE 1900.6588

Scroll to Top